Friday, February 25, 2011

Cây nhà lá vườn

Cây nhà lá vườn
Buổi sáng tinh sương vừa bước ra sau nhà với tách cà phê còn đang bốc khói, như thường lệ tôi nhìn những con chim quen thuộc đang chuyền từ nhánh cây nầy qua nhánh cây kia với những tiếng hót líu lo chào mừng một ngày mới. Đặt tách cà phê xuống bàn, tôi bắt đầu một ngày làm việc của một người già hưu trí. Mổi buổi sáng trong ngày, vận động thể dục dưỡng sinh với những động tác nhẹ nhàng của chân tay và đi bộ vòng quamh sân vườn trên 30 phút. Xong những thao tác làm nóng cơ thể, tôi bắt đầu công việc châm bón, tưới tắm cho cây trồng thêm tưoi tốt. Thời gian thường kéo dài trung bình hai tiếng mổi ngày dành cho miếng vườn. Đôi lúc thời gian kéo dài hơn vì có những thay đổi bất chợt cho nhu cầu trồng trọt.
Ngày hôm nay là ngày 26 tết, hai vợ chồng quyết định hái bưởi để làm quà cho bạn bè và người thân. Một cây bưởi rất say trái sau vườn mà hai vợ chồng thường theo dỏi từ khi nó cho hoa và kết trái…Tôi và vợ tôi phụ nhau cắt từng trái bưởi trên cây, xếp chúng trên bàn để mang đi biếu bạn bè và người thân cũng như để chưng trên bàn thờ cúng tết. Lòng chúng tôi cảm thấy một niềm vui vô hạn khi nhìn những trái bưởi màu vàng ánh tỏa mùi thơm rất dể chịu
Trong một khoảnh khắc nào đó, khi dạo quanh sân vườn, nhìn từ mầm non mới lú ra, hoặc một bông hoa vừa mới nở trong lòng hai vợ chồng già cảm thấy một niềm vui khôn tả.
Tính từ ngày gieo cái hột bưởi, hột quýt cho đến ngày hái trái thời gian nhanh lắm cũng gần 7 năm. Ở một đất nước với trình độ khoa học kỷ thuật cao như Mỹ, trồng một cây ăn trái bằng hột thật là quá lổi thời nếu tính về kinh tế, vì như vậy thật là rất chậm để cho ra trái. Ngày nay với kỷ thuật về nông nghiệp tiên tiến, người ta trồng cây ăn trái bằng cách chiết nhánh, và có thể ghép nhiều loại cây với nhau và chỉ cần mua các cây trồng sẳn tại các nursery và trồng năm trước và năm sau thì có thể cho trái. Vì vậy mà thời gian cây cho trái rất nhanh, không phải chờ đợi một khoảng thời gian lâu dài như những cây ăn trái sau vườn nhà tôi.
Từ ngày chân ướt, chân ráo đặt chân đến Sandiego theo chương trình HO, tất cả gia đình bắt đầu cuộc sống mới với đôi bàn tay trắng đầy xa lạ và bở ngở, tiếng Anh thì non nớt, giao tiếp thì không rành, phưong tiện thì không có, mọi thứ cho nhu cầu cuộc sống thật muôn vàng khó khăn
Ngày nay, trải qua một đoạn đường dài hơn hai mươi năm định cư tại Sandiego hàng ngày hai vợ chồng già vui thú điền viên quanh mảnh vườn với nhiều cây trái, hoa quả xanh tươi. Chúng tôi thật không tưởng tượng nổi, chúng tôi thật sự có một cuộc sống thanh nhàn như hôm nay.
Thật vậy, quay lại đoạn đường trong quá khứ với bao biến đổi thăng trầm theo vận nước. Lắm lúc hầu như tôi muốn ngả gục như bao triệu người dân bất hạnh của đất nước tôi, Từ những cảnh chiến tranh, huynh đệ tương tàn bởi một chủ nghỉa ngoại lai, bôm đạn cày nát quê hương.
Hai vợ chồng tôi và đám con thơ cuối cùng phải rời bỏ quê nhà với đôi bàn tay trắng để làm lại cuộc đời. Cái mơ ước bình thường, khi còn ở quê nhà của hai vợ chồng chúng tôi là khi về già mình sẽ có một mái nhà với một mảnh vườn cây trái, hầu như không còn trong tầm tay.
Nhiều khi nhìn lại quê nhà, trong thân phận kẻ ly hương với đôi bàn tay trắng, nhớ quê hưong tha thiết với bao người thân yêu và bạn bè. Nhớ từ con đường làng quê, nhớ từ dòng sông, lủy tre, bóng mát trong vườn cây ăn trái ngày nào. Nhớ nhiều và nhớ lắm một quê hưong đã mất, một mảnh vườn quê không còn! đây mọi cái đều xa lạ, thế mà mình nhận nơi đây làm quê hương thứ hai của mình!
Gia đình của tôi cũng như hầu hết các gia đình cùng hoàn cảnh tỵ nạn, mọi người đều mất quê hương và nhà cửa tại quê nhà, tất cả đều cùng một tâm trạng như nhau!
Thân phận của kẻ tha phương cầu thực với đôi vai nặng trĩu trong cuộc sống mới để làm lại từ đầu, không cho phép mình ngả lòng trước mọi khó khăn. Phải xăng tay áo mà tiến lên, phải quên đi quá khứ vinh quang ngày nào. Phải dấn thân vào mọi công việc để vương lên trong cuộc sống.
Nhờ ơn người dân và chánh phủ ở nước định cư, với tấm long hào hiệp nhân đạo, nhờ tình người rộng mở ở vùng đất mới. Cái không khí tự do, sự đối xử công bằng đã làm cho mầm sống con người càng ngày càng phát triển. Gia đình chúng tôi cũng như bao gia đình khác, cùng chủng tộc hay khác chủng tộc, khắp nơi trên thế giới cùng hội nhập vào vùng đất nầy như để được hồi sinh, chúng tôi như những hột giống được  gieo trồng trong một môi trường đầy đủ phẩm chất tình người, gia đình tôi cũng như bao gia đình khác đã tìm thấy được niềm tin và sự hy vọng hướng về tương lai và cùng nhận vùng đất nầy như chính quê hưong thứ hai của mình.
Hạt giống của cây bưởi ngày hôm nay chính là hạt giống hy vọng mà ngày nào tôi gieo xuống chậu nhỏ, sang chậu lớn hơn. Tôi rê cái chậu nầy đi khắp nơi, ở hết nhà thuê nầy đến nhà thuê khác, làm hết công việc nầy đến công việc khác. Các con của chúng tôi cũng vậy, chúng vừa học vừa làm. Chúng vững tâm trong việc học, chúng vững tâm trong việc làm. Ở đây  mọi người đều có điều kiện vương lên trong việc học, kiến thức được phát triển mà môi trường giáo dục là nơi  nhân hạt giống nhân tài. Chính nơi đây các con tôi được thành đạt một điều mà tôi không làm được từ chính quê hương của mình. Cây bưởi say trái ngày hôm nay chính là cái hạt giống hy vọng mà tôi gieo ngày xưa. Khi gieo hạt bưởi, hạt quýt ngày đó năm xưa, tôi hiểu rằng tôi phải thật kiên nhẫn, phải thật bền lòng để tôi có lại những gì tôi đã mất trên quê hương của tôi. Những trái bưởi, màu vàng tươi tốt ngày hôm nay, nhìn  cây say quằng trái, tôi thầm cám ơn Ơn Trên giúp tôi có đũ nghị lực và sức khỏe để cho tôi và gia đình tôi được hưởng ân phước ngày hôm nay trên quê hương thứ hai nầy.
 Khi nhìn về quê hương của mình tôi vẫn hằng cầu nguyện cho quê hương của tôi sớm được thay đổi, cho người dân được sống trong an lành, hạnh phúc, cho lòng hận thù không còn, cho đất đai, hải đảo và vùng biển không bị mất dần bởi ngoại bang . Cho tình thương thực sự phát triển trên vùng đất hoàn toàn tự do và trong lòng mọi người.
Lão làm vườn

No comments:

Post a Comment