Friday, November 26, 2010

Ngày lễ Tạ Ơn của nước Mỹ

                                 Ngày lễ tạ ơn của nước Mỹ.
Tối đêm qua, một giấc mơ rất đẹp đối với tôi khi nghỉ đến thời ấu thơ của mình. Tôi thấy người vú Năm của tôi đi chợ về, lúc bấy giờ tôi là đứa bé lên năm, tôi hay mè nheo với Vú mổi khi Vú xách giỏ đi chợ. Tôi hay dặn Vú nhớ mua cái nầy cái nọ cho tôi, và mổi lần Vú đi chợ về là y như rằng tôi có quà do Vú mua cho, không gói đậu phọng nấu, thì cũng gói bánh lỗ tai heo..v..v..Nhiều khi đi chợ về Vú đưa cho tôi, tôi ăn liền thì bị Vú rầy và bảo:

-Cái thằng ham ăn! Tại sao không biết cám ơn Vú. Ai cho gì nên nhớ cám ơn nghe chưa!

Lắm khi Vú quên mua, về tay không, tôi không có gì để ăn. Tôi buồn và rưng rưng nước mắt Vú cười và nói:

-Con trai không được khóc như con gái xấu lắm, con trai phải mạnh dạn, cứng rắn hơn con gái, để lát nữa Vú mua cho.

Tôi mất mẹ khi lên ba tuổi, nên Vú là người thương tôi như mẹ và lo lắng cho tôi suốt từ thuở ấu thơ cho đến tuổi trưởng thành.


Nhiều khi nằm ngủ với Vú, Vú dạy cho tôi phải biết nhớ ơn những ai giúp đở cho mình trong cuộc sống ngoài công ơn dưỡng dục sanh thành của cha mẹ. Vú thường nói:

-Con ăn cơm, phải nhớ người trồng lúa, uống sữa phải nhớ người nuôi bò. Hoặc ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng..v..v.. Câu nầy tôi thường nghe Vú nhắc đi nhắc lại với tôi khi còn là tấm bé …

Tiếng chim ban mai sau vườn làm tôi tỉnh giấc mơ đẹp với người Vú già ngày nào. Vú Năm đã mất đi khi cái tuổi già sức yếu để lại biết bao tình thương cho anh chị em trong gia đình của tôi. Tuy Vú không có công sinh thành nhưng công dưỡng dục cho chúng tôi nên người. Vú rất xứng đáng là người mẹ hiền của chúng tôi…

Thời gian trôi nhanh, mới ngày nào mà nay tôi đã bước vào cái tuổi bảy mươi, sống cuộc đời lưu vong nơi xứ người, nhận phần đất xa lạ làm mảnh đất quê mình. Hiện nay vui với đám cháu trong cái tuổi về chiều, tôi nhìn đám cháu ngoại tung tăng vui cười, tôi chợt thấy mình như người Vú già năm xưa mổi khi mua quà cho chúng ăn…

Khi thời tiết vào mùa đông, phần lớn các cây đang rụng lá, sáng nào tôi cũng phải dành gần một tiếng đồng hồ quét lá sân vườn, Nhìn những cây plum, cây đào, cây nectarine, nhất là cây táo Tàu và cây hồng đang thi nhau trụi lá, trơ cành. Như mọi năm vào giữa tháng 10 âm lịch, tôi cũng không quên lặt lá mai để chuẩn bị đón mùa Xuân. Vì vậy công việc lắc nhắc hàng ngày chung quanh miếng vườn nhỏ chiếm gần hết nữa buổi sáng. Thời gian của những người già sống hưu trí như vợ chồng tôi, phải tìm kiếm công việc để làm, nếu không thì rất buồn tẻ và nguy hiểm cho sức khỏe. Đang cho thêm phân bón vào các cây đào, nhìn vào đồng hồ vợ tôi nói:

-Anh ơi, chuẩn bị đi đón cháu, hôm nay cháu tan trường sớm hơn mọi khi.

Hai vợ chồng chúng tôi vừa lái xe đến trường để đón ba đứa cháu ngoại cùng học một trường. Bây giờ những người cùng tuổi chúng tôi, cái tuổi cổ lai hy, hoặc hơn một ít đều có cái job nầy. Cuộc sống ở Mỹ hầu như rất tất bật theo công việc làm, hầu như ai cũng cần có ít nhất một việc làm và có người vì nhu cầu cuộc sống họ phải cáng đáng thêm việc làm thứ hai vào cuối tuần, hoặc làm thêm vào buổi tối..v..v..để trang trải cuộc sống.

Chỉ có thành phần già nua, hưu trí hoặc không còn đủ sức khỏe thì mới có thời giờ rổi rảnh, thành phần nầy như hai vợ chồng chúng tôi hàng ngày ngoài công việc chăm sóc nhà cửa, vườn tược. Chúng tôi đi chợ và lo cơm nước như bất cứ người cha mẹ già nào còn sức khỏe. Hai vợ chồng thường nhắc nhở giờ giấc để lái xe đến trường đón cháu trong giờ tan trường. Tôi thường lái xe đến trường ít nhất ba mươi phút trước giờ tan trường để còn chổ đậu xe tốt. Nhìn các đứa cháu ngoại lớn dần trong cái tuổi học sinh của chúng, bắt đầu từ lớp mẩu giáo đến lớp năm của bậc tiểu học, tôi nhớ lại thời học sinh của mình ngày nào. Thời của mình khi còn bé ở lứa tuổi học trò bậc tiểu học, khi ra sân chơi, nam thì bắn đạn, thảy đáo lỗ, tạc hình bằng bao thuốc lá..v..v.. Về phía nữ thì nhảy dây, đánh đũa, nhảy cò cò..v..v.. Bây giờ đứng trên sân trường nhìn đám học sinh nhỏ cùng với đám cháu của mình. Chúng nó thật đầy đủ mọi phương tiện vui chơi trong giờ giải trí… Ngay cả ngày nay trong nước, nhiều nơi trong thôn quê hẻo lánh trường học không có hoặc học sinh không có cây cầu để đi học phải qua cầu bằng dây treo một cách thật là nguy hiểm, ngoại trừ trong các đô thị, con cái nhà giàu thì không thiếu thứ gì. Dỉ nhiên, phương tiện về giáo dục còn thiếu sót rất nhiều, thật là đáng thương!

Nơi sân trường với cái tên Curie Elementairy School, nơi ba đứa cháu đang học, tôi nhìn các học sinh đang nô đùa trên sân trường với các môn chơi tập thể dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thầy cô, chổ nầy bóng bầu dục, chổ kia đang tập ném bóng rổ. Một sân tập thể dục với đầy đủ dụng cụ, không khí nô đùa, tiếng hò hét vang dội cả sân trường. Nhìn các em nhỏ với nhiều màu da và chủng tộc nô đùa thật vui vẻ bên nhau. Màu da, màu tóc đen, trắng, vàng lẩn lộn, các em vui đùa trò chuyện bên nhau một cách hồn nhiên. Tôi và bà xã tôi hết sức vui mừng khi thấy mấy đứa cháu ngoại của mình hòa chung vào cuộc sống với các bạn học trong một mái trường đầy màu sắc dân tộc nầy.

Tại sân trường nầy, tôi có dịp chứng kiến các bậc phụ huynh hàng ngày đến đưa đón con cháu của mình. Cũng như học sinh, tôi đã thấy cha mẹ, người thân đưa đón cho con cháu cũng đầy đũ sắc tộc. Trừ người bản xứ là người Mỹ, nơi đây quy tụ nhiều sắc dân di cư đến nước Mỹ và hiện nay đang sinh sống tại thành phố Sandiego, nhiều nhất là người Mể, đến một số đông người châu Á như Việt Nam, người Phi Luật Tân, người Đại Hàn, Tàu, Nhật, Thái Lan, Cambuchia, người Ấn Độ, Pakistan, Iraq..v.. v.. Nói tóm lại trong phạm vi một trường tiểu học tại thành phố Sandiego, tôi nhận thấy sự hòa hợp các sắc tộc di dân tiêu biểu, một cách đa dạng trên thế giới quy tụ. Các em cùng học chung, cùng lớn lên trên một môi trường giáo dục có tánh cách nhân bản, thật là một hình ảnh thật đẹp. Hình ảnh các em đủ sắc tộc vui đùa bên nhau trong một phạm vi nhỏ của mái trường có lẻ là một hình ảnh đẹp nhất, nếu như cả thế giới mọi dân tộc đều như thế thì chiến tranh sẽ không bao giờ xảy ra. Tiếc thay ngày nay cùng một dòng máu, cùng một dân tộc lại không thương yêu nhau lại đối xử với nhau như kẻ thù. Đó là một điều đáng trách và là một sự bất hạnh vô cùng…!

Cũng tại sân trường nầy, chúng tôi còn có dịp tiếp xúc với một cặp vợ chồng người Mỹ, họ có hai người con nuôi Việt Nam, mổi ngày đến trường đón hai đứa con nuôi, tôi thấy một hình ảnh tuyệt vời của tình thương. Họ đến đón hai đứa con nuôi, họ ôm chầm lấy hai đứa sau giờ tan lớp với nụ hôn thương yêu. Dưới mắt tôi, tôi không nhìn thấy một khoảng cách nào là giữa con nuôi và con ruột. Dưới mắt tôi, hai em bé Việt Nam của đất nước tôi thật là có phước khi làm con của hai vợ chồng nầy. Có lần hai người nầy tâm sự với tôi, họ nói:

-Anh có biết không? Thật là khó khăn lắm! Có lẻ Trời đã cho tôi hai đứa con nầy, hai vợ chồng tôi phải qua lại Việt Nam rất nhiều lần mới hoàn tất mọi thủ tục để được nhân chúng. Nay thì chúng tôi rất hạnh phúc có hai đứa con yêu quý nầy.

Người Mỹ đã giang rộng đôi bàn tay nhân ái trên toàn thế giới, họ đã đón nhận biết bao trẻ em mồ côi, những trẻ em bị khuyết tật, bị ngược đãi và bạo hành. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam vừa qua, hàng ngàn trẻ con mồ côi được bốc sang Mỹ nay đã lớn khôn và thành tài. Nay những đứa con mồ côi nầy trở thành những công dân Mỹ và họ chắc hẳn rất hãnh diện đóng góp vào sự phồn vinh của quốc gia đã cưu mang họ.

Trước đây, tôi đã đọc một câu chuyện về một cô bé nghèo đói nằm ngủ trong một chiếc hộp bên vệ đường thành phố Saigon. Cô bé ấy may mắn được môt phóng viên người Mỹ chụp được. Tấm hình nầy gây được sự xúc động trên toàn thế giới và người phóng viên đó là ông Chick Harrity. Tấm hình của anh chàng phóng viên nổi tiếng nầy đã thay đổi cuộc đời tưởng như bất hạnh của cô bé. Cô đã được người mẹ nuôi đặt cái tên là Nhanny Heil Trần Thị Hết. Bà mẹ nuôi Evenlyn Heil, bà là một nhà giáo kể lại rằng:

-Khi nhận nhận cô bé gần ba tuổi mà chỉ cân nặng có 12 pounds, cô bé không tự ngồi và đứng được, vì còn rất yếu. Sau khi tôi nuôi em từ sáu tuần tới mười tuần, cô bé mới có thể ngồi và đứng lên được, cô ta lại bị bệnh tim và phải rất khó khăn trong việc chạy chửa.

Thế mà ba mươi hai năm sau, cô lại có danh dự trao giải thưởng cao quý dành cho người nhiếp ảnh đạt được một thành tựu đáng kể trong một buổi lể long trọng diễn ra tại Tòa Bạch Ốc dưới sự chúng kiến của tổng thống Hoa Kỳ George W, Bush. Cô đã trao một giải thưởng cao quý cho vị ân nhân đã thay đổi cuộc đời của cô. Một cuộc hội ngộ thật kỳ dịu và thật cảm động như là một sự biết ơn của cô bé nằm trong hộp giấy với người ơn của mình.

Nói đến nước Mỹ phải nói đến tình thương và lòng biết ơn khi chúng tôi nhìn thấy những gì mình chứng kiến từ khi mình đặt chân trên mảnh đất xa xôi nầy. Ở nơi quê hương thứ hai nầy, những người di dân từ khắp nơi trên thế giới với bất cư lý do gì đều được hưởng một cơ hội thuận tiện, một môi trường thích hợp để xây dựng một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Khi tôi còn bé, ba tôi đã dạy cho tôi mổi khi cúng kiến vào những ngày lể lớn như tết Nguyên Đán. Ba tôi thường nhắc nhở:

-Ngoài việc cúng kiến ông bà, tổ tiên, con nên nhớ phải làm một mâm cúng đất đai.

Tôi nhớ ngày xưa, mâm đất đai được dọn dưới đất để cúng.

Ba tôi giải thích cho tôi hiểu như sau:

-Mâm đất đai là để kiến những người khuất mày, khuất mặt, những người có công mở nước và giữ nước, nhờ vậy mà ngày nay chúng ta có mảnh đất và cái nhà để ở.

Phải chăng mâm đất đai như là một truyền thống tốt đẹp trong việc cúng kiến như là một hình thức tạ ơn tiền nhân ở nước ta trong phạm vi lể nghi cúng kiến gia đình.

Ở Mỹ truyền thống nhớ ơn được chính thức công nhận như là một ngày quốc lể vào thời tổng thống Abraham Lincoln vào năm 1863. Khởi thủy do một nhóm người di dân từ phương tây đặt chân đến vùng đất hứa tại Plymouth vào ngày 11-12-1620. Trong một cuộc hành trình gian nan, họ phải chết 46 người trong tổng số 102 người trên chuyến tàu Mayflower. Thuyền trưởng Edward Winslow sau nầy trở thành vị thống đốc của thành phố Plymouth vào những năm 1633,1636 và 1644. Nhờ vào lòng tận tụy và kết hợp với dân bản xứ, họ đã trúng mùa với hoa màu thặng dư và cuộc sống càng ngày càng phồn thịnh, nhất là vụ mùa năm 1625 họ đã làm ba ngày lể tạ ơn long trọng… và cái truyền thống biết ơn nầy trở thành một một ngày quốc lể. Ngày lể Tạ Ơn đã nhanh chóng được người dân Mỹ đón nhận chẳng những là một ngày vui chơi mà làm kim chỉ nam để giáo dục cho các thế hệ con cháu biết thương yêu nhau và quý trọng và biết ơn những ai đã giúp đở mình dù là môt việc rất nhỏ. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy chử “ cám ơn” thường không bao giờ thiếu trên môi người dân Mỹ khi họ nhận được bất kỳ một công việc nào có ích từ người khác. Ngay cả những đứa bé khi mới vừa tập tểnh vào trường, cô và thầy giáo đã dạy cho chúng điều nầy…

Ngày lể Tạ Ơn cũng được cộng đồng người Việt tỵ nạn đón nhận bởi vì người Việt vốn dỉ là một dân tộc có truyền thống thương yêu gia đình, thương yêu quê hương và đất nước. Ngoài việc hàng năm họ gởi về Việt Nam trên 6 TỶ 8, con số nầy tăng lên hàng năm tính từ 4,4% đến 11,2% ước tính theo hệ thống chuyển tiền ATM vào năm 2007, con số nầy tăng lên trên 10 tỷ Mỹ kim. Cộng đồng Việt Nam tỵ nạn CS hàng năm biểu lộ sự nhớ ơn đối với những người quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, họ đã hy sinh một phần cơ thể trong cuộc chiến vừa qua, hiện đang sống bất hạnh tại quê nhà, những buổi trình diễn văn nghệ dưới sự hưởng ứng nhiệt tình nói lên sự biết ơn đối với người lính Việt Nam Cộng Hòa. Một việc làm đầy ý nghỉa và là một món nợ ân tình. Chúng ta cũng không quên các con cháu thuộc thế hệ thứ hai đang dũng cảm chiến đấu cho một quê hương thứ hai vì một lý tưởng tự do và dân chủ mà chúng đã hấp thụ được.

Ngày lể Thanksgiving được cộng đồng người Việt tỵ nạn hưởng ứng, ngày nầy lại là một dịp để gia đình quay quầng, bày tiệc ăn uống và con cháu tỏ lòng biết ơn cha mẹ, ông bà . Một ngày mà cộng đồng người Việt hòa chung sự biết ơn một đất nước đã từng cưu mang mình dù rằng thế hệ người Việt sẽ là những công dân Mỹ sống và chết cho một tổ quốc, một quê hương thứ hai nầy. Điển hình trong biến cố 911 tại thành phố New Yord, môt người Việt Nam không ngần ngại chi một số tiền hai triệu Mỹ kim để trợ giúp cho nạn nhân và biết bao nhiêu người Việt Nam khác không cần sự kêu gọi của nhà nước. Người có lòng hảo tâm nầy là ông Trần Đình Trường, một người Việt Nam thành công trên thương trường tại Mỹ. Cơn bảo Katrina tại tiểu bang Louisiana, cộng đồng người Việt Nam đã tự động trợ giúp nhau một cách thương yêu đùm bộc, phải chăng một phần nào hấp thụ được truyền thống tốt đẹp của sự thương yêu nhau và lòng biết ơn.

Thật vậy, từ mảnh đất hứa tốt đẹp, làn sóng di dân đổ xô đến nước Mỹ non trẻ này và ngày nay hình thành một Hợp Chủng Quốc Huê Kỳ . Ngày nay trên bình diện thế giới, nước Mỹ trở thành một cường quốc mạnh về kinh tế và quốc phòng. Ngoài ra lại là một nước nhận sự di dân nhiều nhứt trên toàn thế giới, phần lớn những người di dân đến nước Mỹ vì lý do nhân đạo. Nước Mỹ lại là một nước viện trợ có tánh cách nhân đạo nhiều nhất trên thế giới. Sự cường thịnh của nước Mỹ không phải đương nhiên mà có. Phải chăng nó xuất phát từ lòng nhân ái, từ tình thương, nhất là một chánh sách bình đẳng và không phân biệt đối xử, đời sống người dân thật sự tự do và dân chủ. Chính vì một chánh sách đầy tánh nhân bãn nầy mà mọi người được thụ hưởng, đã hết lòng đóng góp vào sự phồn vinh cho đất nước đã cưu mang mình, như một sự tạ ơn. Nhà tỷ phú Bill Gates là một điển hình. Hiện nay quỷ từ thiện mà ông Bill Gates đang điều hành lên đến con số 125 tỷ Mỹ kim, trong đó cá nhân ông là 58 tỷ Mỹ kim và khoảng 40 những người giàu có khác. Ông tỷ phú Bill Gates không để tài sản lại cho các con ông, mà ông để lại cho các con ông một ý chí và một gương trong sáng của một tình thương bao la đầy nhân tính. Điều nầy cho thấy rằng ngày lễ tạ ơn ( Thanksgiving ) vào ngày 25-11 hàng năm thật là ý nghỉa của một nước Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ vậy.

Chừng nào tình thương và lòng biết ơn được nhân lên thì một quốc gia sẽ phồn vinh và người dân mới ấm no hạnh phúc được. Trái lại điều nầy thì quốc gia đó sẽ thụt lùi và người dân sống trong nổi bất hạnh triền miên vậy.

Lão làm vườn.

No comments:

Post a Comment