Saturday, February 26, 2011

Cục xương chó gậm

                  Cục xương chó gậm .
Khi còn bé, tôi sinh ra từ một gia đình trung lưu, ba má tôi là một người dân bình thường như bao nhiêu người dân khác tại Bình Dương thuộc thị xả Phú Cường, mẹ tôi chẳng may mất sớm khi tôi mới vừa lên ba tuổi. Khi lớn lên, dù không có mẹ , ba tôi có người vợ kế, người kế mẫu là một người miền Bắc dân Hà Nội, tuy nhiên bà ấy rất hiền và không bao giờ làm buồn lòng đám con rất đông của chồng. Bà châm sóc ba tôi rất chu đáo ở tuổi già của người, cho nên càng khôn lớn tôi càng thương người kế mẩu như mẹ ruột của mình. Ở tuổi ấu thơ, mặc dù sống trong một gia đình có người giúp việc, nhưng ba tôi không vì thế mà làm cho tôi ỷ lại vào gia đình. Ba tôi dạy cho tôi một ý chí tự lực cánh sinh và không nề hà bất cứ công việc nặng nhẹ nào. Tôi cũng làm mọi việc trong nhà, không từ một công việc gì. Nhà tôi có nuôi một chuồng heo, một chuồng gà vịt, vì phía sau nhà tôi là con rạch Thầy Năng rất tiện cho việc làm vệ sinh. Công tác hàng ngày, ngoài giờ đi học và học bài vở. Khi việc học đã xong, tôi chuẩn bị thức ăn cho heo và gà vịt. Tôi phải xắc chuối bằng một con dao cáng dài, lưởi của dao cũng rất dài và khá bén. Thu gôm các khạp đựng thức ăn phế thải, trộn với chuối và cám và nấu lại để nguội sau đó chia cho heo, gà và vịt ăn. Không biết sao, tôi lại thấy niềm vui trong công việc nầy khi nhìn những con vật chen nhau ăn và tôi hầu như theo dỏi từng con một. Mổi lần lứa heo lớn đủ cân lượng, ba tôi kêu người tới bán, tôi cảm thấy buồn làm sao.Tôi nhớ cơm heo là tất cả những gì phế thãi từ nhà bếp, thường thường những thức ăn dư thừa gôm lại từ nhiều gia đình. Phía bên kia sông sau nhà ba tôi là một trại cưa của Ông Quãng Xương và bên trái là một khoảng trống gần cầu sắt. Nơi đây gọi là bãi tấm ngựa, vì hầu như xe ngựa thường vào buổi chiều tập trung về đây thả ngựa cho ăn cỏ và dắt ngựa xuống sông tắm vì có một cái bải lài lài, thoai thoãi và có nhiều sỏi đá. Thỉnh thoảng có môt vài người Hoa đi thu gôm da bò, da trâu, họ mang số da nầy đến đây và lóc phần thịt dư còn dính lại nơi da và liêng xuống sông. Tôi thường lội qua sông và xin số thịt thừa đó về nấu với nồi cháo heo, hoặc nếu số thịt thừa đó nhiều quá, tôi đem bỏ vào các đìa cá để dụ cá trê vào các đìa mà tôi làm dưới con rạch Thầy Năng này. Giống cá trê nầy rất thích ăn thịt thừa nầy. Mổi lần làm như vậy, khi tát đìa tôi thường bắt rất nhiều cá trê.Tuổi trẻ sống gần con rạch Thầy Năng, tôi có rất nhiều thú vui như bắt và câu cá, tắm sông với đám bạn quanh vùng, chèo xuồng dọc theo con bờ rạch bắn chim thật là vui và nhiều kỷ niệm …
Thời gian là một cái gì rất tương phản, khi mình mong đợi nó hầu như đi rất chậm, nhưng khi mình nhìn lại, một thoáng mình đã già và cảm thấy buồn khi nó trôi nhanh. Tôi đã  trải qua một thời là quân nhân trong 12 năm trong quân ngủ, buông súng theo vân nước và cuối cùng lại trải qua 10 năm tù đày đầy khắc nghiệt . Nhiều bạn thân và đồng đội, và chiến hữu của tôi đã ngả gục giữa đoạn đường đói khổ nầy . Họ bỏ lại thân xác chỉ vì một chánh sách vô nhân trả thù môt cách hèn hạ của kẻ thắng trận. Tôi đã chứng kiến những cái chết từ từ không thuốc men, không điều trị khi mà ngoài mặt và trước dư luận thế giới, họ lại nói rằng họ đối xử với quân dân cán chính miền Nam theo một chánh sách khoan hồng nhân đạo….
Bây giờ đã trải qua thảm cảnh ấy và tồn tại đến ngày nay tôi không bao giờ quên một kỷ niệm với một người thuộc cấp làm chung một đơn vị, anh ấy là thượng sỉ Dậu. Khi tôi chuyển về trại K3/ Tân Lập thuộc tỉnh Vĩnh Phú, tôi gặp anh ta, chúng tôi mừng vô cùng . Mặc dù chúng tôi ở khác đội, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi gặp gở và ăn chung với nhau. Có lần gặp nhau tại ao tắm, anh nói với tôi :
-Ông thầy sáng mai chúa nhật, trưa ông thầy qua ăn với tôi, tôi có nấu một món thật ngon để thầy trò mình ăn. Tôi chắc ông thầy sẽ thích lắm . Tôi tò mò hỏi lại: - Hôm nay anh có quà hay thăm nuôi phải không ?
Anh ta nghỉ một chút rồi cười và nói :
-Em không nói đâu, mai ông thầy qua ăn rồi sẽ biết .
Trưa ngày hôm sau khi tôi đến, tôi thấy anh ấy đã chuẩn bị xong buổi ăn trưa. Tôi tò mò không biết món gì trong cái nồi đóng kín còn đang bốc khói nghe mùi thật hấp dẫn.
-Anh Dậu hôm nay anh nấu món gì mà nghe mùi ngon quá vậy ? Tôi hỏi anh ta .
Anh ta cười và nói :
-Không giấu gì thầy hôm nay em đãi thầy món cháu thịt bò mà em biết thầy rất thích .
Tôi hỏi anh ta:
-Thịt bò ở đâu anh có mà hay vậy ?
Mà thật vậy tôi cũng ngửi được qua làn khói là mùi thịt bò mà tôi chưa nói ra .
Anh ta nói :
-Hôm nay em làm công tác mổ bò trên cơ quan, nên em được một cục thịt bò .
Hai người bạn cùng ngồi ăn chung với anh và tôi mĩm cười, một nụ cười thật khó hiểu. Chúng tôi ăn nồi cháo thật là ngon vô cùng, anh Dậu múc cho tôi mấy cục xương ống chân còn nhiều tủy bên trong, tôi ăn mà cảm thấy thật là một bửa tiệc cao cấp khó mà có trong tù.
Sau nầy, trong tâm sự một trong hai anh tiết lộ cho tôi biết nguyên nhân có được nồi cháo ngon như vậy là vì anh Dậu đã đuổi một con chó để lấy mảng xương mà bọn cán bộ liệng cho chó ăn tại cơ quan, anh ấy đã giấu mảng xương nầy mang xuống suối rửa và dùng dao đi rừng bổ ra thành nhiều miếng nhỏ mang về và hôm nay tôi có một bửa ăn ngon như vậy. Anh ấy dặn hai người bạn chớ có tiết lộ ra sợ tôi ngại mà không ăn.
Anh Dậu ơi, giờ nầy anh ở nơi đâu, tôi không bao giờ quên cái kỷ niệm nầy. Anh biết không, nếu ngày hôm ấy anh có nói thật thì tôi vẫn ăn với anh một cách ngon lành mà…
 Anh có nhớ không có lần tôi đã chứng kiến người tù tách ra khỏi hàng để rượt con gà lấy cục cơm.Tôi đã từng ăn biết bao con chuột, rắn, ếch nhái để mà tồn tại.Anh có biết đâu rằng, lắm lúc trong cơn đói rét tôi chợt nghỉ đến mấy miếng thịt bò mà những người Hoa lóc ra từ bải tấm ngựa nơi quê nhà mà tôi đã từng nhặt về nấu cháo heo, hoặc làm mồi dụ cá trê khi còn bé. Anh biết không có khi tôi nhớ đến các hộp thức ăn cho chó, cho mèo mà người ta bán tại Mỹ khi tôi đi dạo phố tại Louisville thuộc tiểu bang Kentucky vào năm 1968. Tôi ước gì mình có các hộp ấy mà ăn và tôi nhận thấy rằng các con chó con mèo bên Mỹ hầu như có phước hơn con người bên Việt Nam ngày xưa cũng như hiện nay. Thật vậy chúng được chủ nuôi chăm sóc thật là tử tế hơn là con người bên Việt Nam, ăn uống thật đầy đũ, mổi khi đau ốm có bác sĩ chăm lo với thuốc men không thiếu thứ gì.
Ngày hôm nay, khi nhìn một cảnh trong một băng video trên được phổ biến rộng rãi trên internet, tôi thấy cảnh một người làm nhà bếp gôm góp thức ăn tại nhà hàng và mang về một khu dân cư nghèo của môt làng người Việt, các trẻ em đói rét chạy lại tranh nhau ăn ngấu nghiến, hoặc nhìn thấy cảnh tượng các trẻ em nghèo đói hàng ngày chầu chực tại các nhà hàng tại Saigon, chúng chỉ việc chờ thực khách ăn xong đứng lên là tranh nhau giành giựt miếng ăn thừa mà đau lòng. Quê hương mình vẩn còn tồn tại quá nhiều người nghẻo khổ bên cạnh biết bao người mà ngày nay ăn chơi hào nháng, đánh cá cược hàng chục ngàn đô la, sống sung sướng với nhà cao cửa rộng, xe cộ đời mới thật đắc tiền mặc cho dân tình đói khổ. Người Việt, nhất là phụ nử lại phải hy sinh làm dâu người nước ngoài, hoặc phải bán trôn nuôi miệng trong khi đất nước mất dần đất đai, lảnh thổ, biển khơi  ngư dân mất dần nơi đánh cá. Hơn 35 năm qua, quê hương mình sao vẫn còn quá cách biệt giữa giàu và nghèo mặc dù hàng năm nhận hàng bao tỉ đô la từ người Việt ở hải ngoại gởi về . Hố ngăn cách giữa nghèo và giàu từ đâu mà có ?...!
Ngày nay nhìn quê hương và đất nước trong sự đau khổ của dân mình khi ở tuổi về chiều. Anh đã không còn nhưng hương vị nối cháo nấu bằng miếng xương chó gậm, đối với tôi nó chẳng những ngon do tài nấu nướng khéo léo của anh mà nó là nồi cháo ân nghỉa mà anh dành cho tôi để tôi tồn tại đến ngày hôm nay, lúc nào tôi vẫn nhớ nồi cháo nây và cái tình huynh đệ chi binh mà anh dành cho tôi. Tôi nghỉ bây giờ ở đâu đó anh đã thanh thãn hơn tôi vì không còn chứng kiến những cảnh đau khổ của quê hương mình, xin anh hảy nhớ rằng tôi bao giờ cũng nhớ anh qua nồi cháo bò bằng mảnh xương chó gậm mà anh giành lấy lo cho tôi.
Cầu xin anh luôn được yên vui ở chốn Vĩnh Hằng .
Lão làm vướn/ Sandiego.

No comments:

Post a Comment