Thursday, June 10, 2010

Miếng thịt chuột

Thời thơ ấu, tôi sống ở Bình Dương, thị xã Phú Cường ( Thủ Dầu Một). Xung quanh nhà tôi có rất nhiều thành phần dân cư sống lẫn lộn trong một khu phố mà người Hoa cũng khá đông. Người Hoa sống chủ yếu về nghề buôn bán, nếu không chế biến thức ăn thì cũng mua bán thu gom các loại nông sản như đậu phọng, hồ tiêu, hạt điều ..v..v.. và bán lại cho người bán lẻ để kiếm lời hoặc cung cấp cho các công ty xuất cảng ra nước ngoài.
 Lúc sanh thời, ba tôi làm ăn phát đạt có xây một dãy phố kế tiếp mảnh đất nhà. Đa số người Hoa thuê mướn khu phố ấy. Họ cũng sống bằng nghề buôn bán là chính yếu. Nhờ vậy mà khi về già, ba tôi sống nhờ vào huê lợi do lợi nhuận từ dãy phố nầy .

Khi còn bé thơ, nhờ sống gần một khu phố đông người Hoa, nhất là đối diện nhà ba tôi là một trường Tàu, nên thường vào buổi chiều tôi hay qua trường nầy chơi bóng rổ với một số đông học sinh người Hoa cùng lứa tuổi với tôi.

Khu vực xung quanh nhà ba tôi đa số là dân lao động người Hoa mà buôn bán là nghề sanh nhai chính của họ. Nào là tiệm tương, tiệm dấm, tiệm làm bánh bò, bánh tiêu, làm hủ tiếu ..v..v.. . Ngoài ra còn thấy xe mì, xe lẻn kẻn, gánh bò viên, sữa đậu nành đủ thứ. Đặc điểm của người Hoa là họ sống rất đơn giản, ăn bận lè phè. Họ không se sua bề ngoài như người Việt của mình. Họ sống bung thùa ngay cả không bao giờ để ý đến vệ sinh chuột bọ. Tôi đã vào một tiệm làm bánh bò, bánh tiêu và bánh bông lan gần nhà. Ngay cả vào ban ngày, chuột chạy khắp nơi, trông rất đáng sợ. Thế mà họ vẫn tỉnh bơ coi như là chuyện bình thường. Hằng ngày bánh vẫn bán hết sạch. Vì vậy, khu vực quanh nhà tôi chuột sinh sản rất nhiều khó mà tiêu diệt hết được dù rằng người Hoa cũng rất thích nuôi mèo .

Chuột bao gồm nhiều loại, nhiều nhất là chuột cống và chuột lắt, một ít chuột xạ mà người Bắc gọi là chuột chù. Giống chuột chù nầy có một cái mỏ nhọn, hơi dài, cặp mắt rất nhỏ. Đặc tính của loại chuột nầy là chúng ít khi xuất hiện vào ban ngày. Chúng thường đào hang gần những nơi ẩm thấp, như gần các mương, cống rãnh. Chúng chỉ xuất hiện đi kiếm ăn vào ban đêm và sống chủ yếu bằng côn trùng. Chúng tiết ra chất xạ nên khi chúng di chuyển đến đâu mùi hôi phát ra đến đó. Mỗi khi gặp nguy hiểm, chúng kêu rất lớn, hoặc mỗi khi có một cặp đang làm tình thì thường con chuột trống la ỏm tỏi cả một khu vực. Lúc nhỏ, vốn tò mò, có lần tôi chứng kiến cuộc làm tình của giống chuột xấu xí nầy. Mỗi lần chúng làm tình, chàng chuột đực thường rượt đuổi người đẹp, chận đầu nàng và rất vũ phu, thường cắn vào đầu khiến cô nàng phải quay trở lại, việc hành hạ nầy của anh chàng chuột đực cứ liên tục không biết bao nhiêu lần và cuối cùng: nàng đành nhắm mắt đưa chân, để xem con tạo xoay vần ra sao! Thật tội nghiệp thay cho phận liễu yếu má đào!

Kế tiếp là chuột cống, loại nầy lớn nhất trong các loài chuột. Chúng cũng giống như chuột xạ, thường đào hang dọc theo cống rãnh, tạo thành những hang liên kết với nhau, có nhiều ngỏ ra vào để khi nguy biến có thể thoát thân, nếu chẳng may có những thú săn mồi như rắn bò vào hang. Loài chuột cống có nhiều con rất to. Chúng cũng có bộ răng sắc bén, rất dữ khi bị nguy hiểm. Những con lớn như vậy mèo còn phải sợ không dám đương đầu với chúng. Nhiều con chuột cống già, lông bắt đầu rụng, loan lỗ trông rất ghê sợ. Loài chuột nầy thường sống dưới cống rãnh nên chúng rất dơ và mang nhiều mầm bệnh. Ban ngày mỗi khi vắng người thì chúng thường xuất hiện, bò đi kiếm ăn. Nếu thức ăn không đậy kỹ lưỡng là chúng có thể mở ra một cách dễ dàng vì chúng rất tinh khôn và dạn dĩ. Chúng thường hay núp ở một nơi kín đáo và theo dõi mọi hoạt động của con người. Nhiều trẻ sơ sinh nằm một mình đôi khi bị lũ chuột nầy cắn phá rất nguy hiểm .

Một loại chuột phá hoại nhiều nhất là loài chuột lắc, chuột nầy là loại chuột trung bình, chúng thướng làm ổ bất cứ nơi đâu trong nhà, bất cứ chổ nào kín đáo mà người nhà ít dòm ngó đến. Chúng thường cắn phá tất cả đồ đạc trong nhà. Chúng có thể khoét cả tủ cây để vào bên trong làm ổ. Chúng là loại chuột cắn phá quần áo, sách vở, tạo ra nhiều hư hại cùng rác rến bẩn thỉu. Thức ăn không đậy kín là làm mồi ngon cho loại chuột sa chân vào. Vì vậy loại chuột nầy là tổ sư phá hoại và gây bao mầm bệnh cho con người. Ngày nay y học cho thấy rằng nước tiểu của chuột gây chết người, rất nguy hiểm nếu chúng phóng uế vào thức ăn. Mới đây tôi đọc môt tin trên internet, một người uống nước giải khát và sau đó bị ngộ độc, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu, lát sau người nầy chết. Khi tìm hiểu nguyên nhân, người ta khám phá ra rằng trên nắp cái lon nước giải khát đó có nước tiểu của chuột .

Tôi nghe nói nhiều về chuột đồng mà người nông dân trồng lúa rất ghét chúng vì nó làm thiệt hại hoa màu. Nhưng thịt chuột đồng là món ăn khoái khẩu của dân miền Tây. Khi vào học năm thứ nhất trường Võ Bị Đà Lạt, một người bạn thân cùng khoá có lần mời tôi ra câu lạc bộ của trường để đón thân nhân tới thăm. Ngày hôm đó, ba anh ấy lên thăm con và không quên mang theo món thịt chuột đồng, một món ăn mà người bạn của tôi rất thích ở quê nhà. Mặc dầu được mời ăn thử món thịt chuột nhưng tôi vẫn không dám ăn. Tôi nhìn mọi người ăn rất ngon lành nhất là anh bạn của tôi.

Sống ở tuổi ấu thơ trong một môi trường nhiều chuột, tôi là người giết chuột rất nhiều, có thể nói tôi là khắc tinh của chúng, mặc dù tôi sinh ra trong cái tuổi con rồng thay vì tuổi con mèo …

Thời gian trôi nhanh, theo vận mạng của đất nước, sau 30/4/75, tôi bị vào tù như bao nhiêu sĩ quan của quân lực VNCH. Tôi đã trãi qua 10 năm tù từ Nam ra Bắc với bao cơn đói khổ triền miên, người thân vắng bóng, nhìn nhau chỉ thấy anh em cùng trong hoàn cảnh đọa đày. Một hôm tôi chứng kiến một nhóm sĩ quan quân y trong lúc lao động, dọn dẹp một đường cống, các anh ấy phát hiện rất nhiều chuột cống dưới đường cống nầy. Sau khi tóm trọn bộ đám chuột, gần một chục con lớn nhỏ, các anh ấy quyết định làm thịt số chuột nầy. Họ cắt bỏ đầu, lột da, bỏ ruột và bộ đồ lòng. Họ làm số thịt chuột ấy và mời tôi ăn thử nhưng tôi vẫn không dám ăn. Tôi gom hết phần chuột phế thải để làm phân bón vào góc cây đậu rồng. Sau đó cây đậu rồng rất tốt và rất say trái .

Trên chuyến tàu ra Bắc, chuyến tàu Sông Hương, một chuyến đi thật bi thảm trong cuộc đời. Hàng ngàn người được nhốt chen chúc dưới hầm tàu, không còn có chỗ để nằm. Chúng tôi lênh đênh trên sóng biển, không nằm và không thế nào ngủ được. cúng tôi không có chỗ làm vệ sinh, không có nước để uống khô và rát cổ họng, thật là một cực hình! Hàng ngàn người hầu như muốn chết ngộp, chỉ có một cầu tiêu trên cầu thang mà hàng bao nhiêu người chầu chực. Có người buồn tiểu tiện không thế nào nhịn nổi đành phải phóng uế tràn lan ra ngoài. Thật là thảm thương và tội nghiệp cho những ai nằm gần khu vực nầy. Mùi hôi thúi tỏa ra cả một khu vực. Con người Việt Nam chẳng khác nào một con vật ở vào thế kỷ 20 !

Tôi đã trải qua những ngày bất tận nơi miền thượng du Bắc Việt, những vùng đồi núi chập chùng từ Sơn La, Nghĩa Lộ, Hoàng Liên Sơn, ngày leo núi, vượt đồi, hít thở hơi lạnh buốt xương. Bụng lúc nào cũng đói meo mà vắt cắn đầy người khi lặn lội trong vùng rừng sâu ngút ngàn. Có những lúc cả người và cây, giang, nứa rơi tòm xuống vực sâu mặc cho số phận an bài. Xã hội bên ngoài, vợ con thân yêu vẫn biền biệt trong khi sức khỏe càng ngày càng suy giảm. Cơ thể bắt đầu rịu rả. Cơn bệnh đang đe dọa trên những bộ xương cách trí biết đi. Đến lúc mỗi tuần phải vác cuốc tiễn đưa một vài người xấu số vào lòng đất lạnh vào những năm 1978 ,1979 và 1980. Tôi chợt nghĩ đến thân phận của mình rồi cũng sẽ ra đi không biết vào lúc nào !

Tôi còn nhớ lòng tôi xúc động khi nhìn xác một người bạn tù mới chết được chuyển xuống bệnh xá để chờ đem chôn. Lòng càng xót xa khi nhìn thân xác anh mà không được phép đến gần. Tôi còn nhớ anh nhờ bạn bè nhắn tôi đến gặp anh khi anh cảm nhận rằng anh không còn sống được bao lâu. Chỗ tôi và chổ anh là hai khu vực riêng biệt, muốn đến thăm viếng nhau không phải đơn giản. Luật lệ trại giam nghiêm cấm các tù nhân liên lạc với nhau, từ khu nầy đến khu khác vì họ e sợ có sự liên kết đấu tranh trong tù, vì vậy mấy ngày nay trong khi lao động, tôi nghe nhiều người nhắn tin rằng anh ấy muốn gặp tôi gấp. Tôi nghe anh bệnh nặng và không thấy anh đi lao động ngoài trời đã lâu, tôi rất e ngại cho anh vì kinh nghiệm cho thấy rằng những anh em bênh nặng sau một thời gian không lao động có thể không còn sống lâu. Tôi lo lắng và quyết định phải viếng thăm anh ấy. Ngày tôi gặp được anh, tôi thấy anh thay đổi quá. Nhìn anh tôi thấy không còn sinh lực, hai má hóp xanh xao vàng vọt. Anh mừng lắm, nước mắt tuôn trào! Anh nói, giọng nói thều thào :
-Tôi nhắn anh để tôi cho anh 3 chiếc bánh bột mì luộc, tôi để dành cho anh đây, để lâu ngày sợ nó hư.
Anh vừa nói vừa móc 3 cái bánh bột mì luộc từ trong cái áo jacket bốn túi nhà binh mà anh đang mặc . Anh nói:
- Tôi phải để 3 cái bánh trong túi áo vì để ở ngoài bị chuột nó ăn.
Tôi vô cùng ngạc nhiên, vì mỗi chiếc bánh mì luộc là tiêu chuẩn khẩu phần ăn của một người mà không đủ no. Anh ấy đang bệnh nặng, cần bánh nhiều hơn tôi tại sao anh lại không ăn. Tôi nhìn anh thương hại và tôi nói với anh :
-Anh Phiếm, anh cố gắng ăn đi, tôi không nhận đâu.
Anh nhìn tôi vừa nói vừa khóc :
-Tôi biết tôi mà anh Trực, tôi mệt lắm không còn ăn được gì nữa, nếu tôi còn ăn được thì tôi đâu có nhắn anh đến để đưa cho anh. Anh không lấy tôi chết đi người ta cũng bỏ thôi, mà anh không lấy tôi buồn lắm! Anh trao cho tôi các chiếc bánh bột mì mà anh không còn ăn được nữa, anh nói tôi hãy cố gắng. Còn anh, anh biết anh không còn bao lâu. Qua hôm sau, tôi được biết anh mới vừa thở hơi cuối cùng. Tôi biết anh ngay từ những ngày đầu tiên ở tù tại Thành Ông Năm ở Hóc Môn, căn cứ quân sự thuộc Liên Đoàn 5 Công Binh. Lúc ấy anh là người rất khỏe, vai u, thịt bắp, những việc nặng anh xung phong gánh vác như bửa một hơi một đóng củi to mà không thấy mệt. Anh là Nguyễn Văn Phiếm cựu quận trưởng ở một quận thuộc địa đầu giới tuyến. Khi ra Bắc, tôi đã không còn gặp lại anh vì anh được chuyển sang một trại tù khác. Sau đó cả hai chúng tôi gặp lại nhau tại trại K1/ Tân Lập nầy và tôi thấy thể lực anh bắt đầu suy giãm đi đến cuối cuộc đời anh tại trại tù nầy.

Ngày hôm qua anh còn đó,
Tôi nhìn anh, anh còn có linh hồn.
Giờ đây anh được đem chôn!
Trong đói rét, sự sinh tồn rẻ rúng.
Nét căm hờn, như nhen nhúng trong tim
Nhìn anh, sao cứ im lìm,
Trong thế giới, bạo quyền ghìm tay súng
Anh xuôi tay, nét lạnh lùng
Để tôi ở lại, cả vùng đau thương!
Giờ tôi đi tiếp con đường
Gian truân có lúc, vô thường ngại chi
Rồi ngày u ám qua đi
Xua loài hung bạo, còn gì vui hơn
Loài quỷ dử, lũ căm hờn
Cứ vươn nanh vuốt, không sờn lòng ta
Tình thương sẽ thắng gian tà
Niềm vui xum họp, mọi nhà yên vui
Rồi đây bạo lực sẽ lùi
Tình thương nở rộ đẩy lui bạo tàn
Đốt anh một ít nén nhang
Xin anh yên nghỉ, bình an vĩnh hằng.

Trong cái địa ngục đỏ, rãi rác khắp miền thượng du Bắc Việt, để sinh tồn người tù phải tìm mọi thứ để thoát hiểm mưu sinh. Lá cây rừng như rau tàu bay, đọt cây dương xỉ, lá sắn ... được tận dụng để nhét đầy bao tử. Các loại trái cây rừng như chuối rừng, măng giang, măng tre rừng được truyền cho nhau để tìm kiếm. Có rất nhiều người chết vì ngộ độc khi ăn phải nấm độc. Các con vật như ếch, nhái, rắn rít, kỳ nhông, kỳ đà đều không thoát khỏi tay người tù trong cơn đói khát mỗi khi họ bắt gặp chúng .

Trở lại về con chuột, một con vật mà tôi ghớm ghiếc từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành, tôi đã từ chối món thịt chuột của gia đình bạn tôi khi còn là một sinh viên sĩ quan. Thế mà trong giai đoạn thập tử nhất sanh nầy tôi đã phải canh bắt chúng và ăn chúng một cách ngon lành. Ngày còn tại trại K1/Tân Lập thuộc tỉnh Vĩnh Phú, trại nầy có hai thứ nhiều nhất, đó là chuột và rệp. Mỗi khi đêm xuống, đó là thế giới của hai loài nầy . Đây là gian sơn của chúng vì nếu thức ăn không đậy đệm cất kỹ là làm mồi cho chuột. Chuột chạy rần rần. Chuột chạy khắp nơi. Còn rệp thì không biết kể sao cho xiết. Mỗi ngày trước khi vào phòng, tôi thường đem cái mùng ra sợi dây phơi quần áo để bắt rệp. Mỗi lần như vậy, tay tôi dính đầy máu của mình mà bọn chúng đã hút vào đêm qua. Hàng trăm con rệp được giết ngày hôm qua thì ngày hôm sau tôi lại giết hàng trăm con khác. Có đêm không ngủ được, tôi cảm nhận rệp đang bò vào cơ thể của tôi, tôi có thể đưa tay tìm giết nó ngay tại trận .

Một hôm một chú bé tù hình sự hỏi tôi :
-Bố ở tù lâu rồi, bố có biết trò chơi rệp dancing như thế nào hay không?
Tôi ngạc nhiên hỏi lại :
-Thế chú mầy nói chơi rệp dancing là như thế nào ?
Cậu ta cười và nói :
Như vậy là bố ở tù còn chưa lâu nên không biết, bố phải ở tù lâu hơn như con đấy bố ơi, rồi bố sẽ biết thôi .
Trại K1/ Tân Lập nhốt tù chánh trị chung với tù hình sự ngoài Bắc, nhưng trong hai khu biệt lập nhau. Chỉ trong thời gian đi tắm mới có cơ hội gặp nhau. Mỗi lần chung đụng như vậy là đám tù hình sự nầy hè nhau ăn cắp đồ đạc của tù chính trị. Chúng thường gọi tù chính trị là bố và xưng là con rất ngon ngọt. Nhưng nếu bố hở thứ gì là bị bọn con nầy lấy món đó, vì vậy đang tắm mà thấy tù hình sự đến là phải lo dòm chừng đồ đạc của mình. Nhưng dù sao tôi cũng cảm thấy thương hại cho đám tù hình sự nầy vì chúng chẳng may sinh vào một chế độ xã hội mà tình người và đạo đức bị xem thường.

Trở lại cái trò chơi rệp dancing, chú bé hình sự nầy chỉ cho tôi tìm một cái lọ nhỏ như lọ thuốc trụ sinh bằng thủy tinh. Hằng ngày bắt thật nhiều rệp, nhốt chúng vào trong cái lọ để lâu ngày. Khi bị đứt tay chảy máu, bạn cứ đưa ngón tay gần miệng cái lọ. Bạn sẽ thấy lũ khát máu nầy lập tức lao nhao, chen lấn nhảy dựng lên, dẫm đạp lên nhau khi đánh hơi thấy mùi máu. Trông các con rệp như dìu nhau ra sàn nhẩy, vì vậy mà họ nói rằng trò chơi rệp dancing .

Trở lại đám chuột trại K1/ Tân Lập, thật là đám chuột đói sống nhờ thức ăn của tù. Mỗi đêm khi tôi không ngủ được, nằm mà nghe lũ chuột chạy lục lạo khắp nơi, có khi chúng chạy quanh chỗ nằm, có khi chúng rượt đuổi nhau trên cái kệ trên đầu nằm mà đám tù hình sự miền bắc thường gọi cái kệ là cái “xích đông” , một danh từ mà tôi không hiểu từ đâu ra. Một đêm tôi bị khó ngủ, nằm nghe chột chạy khắp nơi. Chúng rượt nhau trên đỉnh mùng, thân chúng nặng làm cho cái mùng chùng xuống. Vốn rất ghét chuột, tôi phản ứng tự nhiên bằng cách lấy tay chụp lấy chúng. Thế là một con bị tóm gọn trong tay. Con chuột bị vải mùng bao quanh không nhúc nhích được. Tay kia tôi lòn ra ngoài, lựa cái đầu con chuột tôi bóp bể đầu. Thế là con chuột không còn cục cựa gì được nữa. Tôi bỏ chú ta vào lon guygoz để dành sáng đưa cho người bạn thân làm thịt. Thấy đỉnh mùng là nơi chuột chạy qua lại thường và cũng là một cái bẩy mình có thể bắt được chúng một cách dễ dàng, nghĩ đến lời nói của các bác sĩ quân y khi ăn chuột, nghĩ đến người bạn thân vừa nằm xuống vì suy dinh dưỡng. Tôi quyết định bắt đám chuột lắc nầy ăn thịt để có nguồn protein mà cơ thể mình đang suy thoái. Tôi lòm còm tìm một ít mì ăn liền làm mồi cho chúng, tôi bỏ một nhúm trên đỉnh mùng. Thật không sai, chỉ một lát sau tôi bắt đầy lon guigoz. Đêm đó quá say mê bắt chuột, hầu như tôi ngủ rất ít, chuột bắt liền tay trong khi người bạn nằm bên cạnh ngủ say như chết. Tôi chỉ cần một dúm mì, kiên trì ngó lên đỉnh mùng. Chỉ một lát sau lũ chuột lần lượt sa lưới trong bàn tay dính đầy máu chuột vì bóp đầu chúng. Đỉnh mùng ngoài máu rệp từ lâu, nay có thêm máu chuột. Có đêm tôi bắt gần 50 con. Anh Ẫm bạn thân ăn cơm chung là tay sát cá, vì anh ấy là người bắt cá và chem chép rất hay, còn tôi bây giờ trở thành tay sát chuột và rắn. Anh là tay ở miền Tây nên anh chế biến món thịt chuột rất ngon: nào là chuột chiên bơ (butter oil - được gia đình tiếp tế), chuột xào lăn, chuột xào lá ớt, chuột bầm, chuột kho mặn ..v..v.. Một hôm anh bạn nằm bên cạnh hỏi tôi :
-Này anh Trực, anh có thấy dạo nầy chuột ít lắm phải không ? Hình như chúng nó đi đâu hết rồi .
Anh ấy đâu có biết, có một con mèo nằm bên cạnh anh ta, con mèo hai chân nầy đã ăn đám chuột nầy gần hết rồi. Sau cùng tôi nói với anh ta chính tôi đã bắt chúng nó tôi ăn mà anh ấy vẫn không tin. Khi tôi trưng bằng chứng với cái mùng đầy máu chuột anh ấy mới bật ngữa. Khi nguồn protein vừa cạn thì tôi lại chuyển đi sang một trại khác .

Trại K1/ Tân Lập đánh dấu một giai đoạn bi thảm nhất trong ký ức một người tù như tôi. Tôi đã ăn tất cả các con vật như ếch, nhái, chuột, kỳ nhông, bắt nhiều con rắn cực độc để ăn thịt chỉ vì muốn sinh tồn trong hoàn cảnh thật là đau thương nhất. Biết bao nhiêu sinh mạng bị chết vì sự trả thù hèn mạt. Biết bao nhân tài bị hủy diệt, mà nếu biết tận dụng bởi một chánh sách thương dân yêu nước thật sự thì ngày nay đất nước đâu phải là một đất nước tụt hậu như hiện nay. Bây giờ, khi nghỉ lại trong hoàn cảnh cái sống liền cái chết, chính nhờ vào đám chuột lắt trại K1/ Tân Lập mà tôi đã vượt qua một giai đoạn cực kỳ hiểm nghèo gian nan nhất và không thể nào quên được những chiếc bánh của người bạn tù ngày nào. Xin cầu nguyện cho linh hồn anh Phiếm được an nghỉ bình an ở chốn vĩnh hằng. Xin cám ơn Thượng Đế đã cho con vượt qua cơn hoạn nạn và tồn tại để viết bài nầy. Xin Ngài hảy mở mắt cho những người vô tri để khơi lại tình thương trong lòng họ trên mảnh đất thân yêu Việt Nam. Chỉ có tình thương trong lòng dân tộc mới làm cho đất nước được trường tồn. Người dân Việt Nam mới được hạnh phúc, ấm no thật sự mà thôi./.
(6/2010)

No comments:

Post a Comment