Thursday, June 10, 2010

Câu chuyện của Lão Làm Vườn

Khi còn bé, ba tôi có một miếng vườn tại xả An Thạnh (Búng), mảnh vườn khá rộng hơn bốn mẩu trong đủ loại trái cây bao gồm sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, dâu, bòn bon, cam, quýt, bưởi, ổi, mãng cầu v.v…

Trên miếng vườn nầy ba tôi cất môt cái nhà nho nhỏ, lợp tranh có ba gian gọn gàng để cho gia đình có dịp về thăm vườn có nơi ăn ở. Có lẻ ba tôi nghỉ rằng sau nầy khi về già, người sẽ về thường xuyên sống trong cái cảnh vườn tược, vui thú điền viên.
 Khi tôi lớn lên bắt đầu ở vào cái tuổi15, tôi rất thích mảnh vườn nầy vì nó có đầy đủ các loại cây trái rất ngon. Sau nầy ba tôi cho hai vợ chồng đứng tuổi ở tại miếng vườn nầy, trong ngôi nhà tranh mà tôi gọi anh chị ấy là anh chị hai Xoài, người chồng hư môt con mắt bên trái. Tôi không còn nhớ anh chị hai Xoài nầy vào ở mảnh vườn trên từ lúc nào, nhưng tôi rất mến hai người nầy vì họ rất thương mến gia đình tôi. Ba tôi cho họ vào ở không tại ngôi nhà trên, hưởng tất cả huê lợi từ miếng vườn nầy và chỉ dành riêng một cây sầu riêng mà khi má tôi còn sống, má tôi rất thích cây sầu riêng nầy. Họ dành ra một khoảnh đất trồng trọt hoa mầu. Chị hai Xoài hàng ngày đem rau cải, hoa quả ra chợ Búng bán, nhờ vậy họ sống qua ngày trên miếng vườn. Anh hai Xoài tuy lớn tuổi nhưng sức vóc rất vạm vở khỏe mạnh, bắt cá quanh vùng để phụ thêm sinh nhai hàng ngày.
Tôi không hiểu sao, khi còn nhỏ tôi rất thích cảnh sống nơi thôn quê, những lúc rổi rảnh tôi thường hay về nơi đây để tìm nguồn vui thiên nhiên. Mổi lần thấy tôi xuống vườn, anh chị hai Xoài rất vui vì hai anh chị tuy sống chung với nhau từ lâu nhưng không có được mụn con nào, cho nên tôi xuống thường là nguồn vui của hai người vợ chồng nầy. Anh hai Xoài thường kiếm những ổ kiến vàng để tìm trứng kiến cho tôi đi câu cá rô ốc mít trên con rạch nhỏ gần vườn, mổi lần như vậy tôi thường ở lại ăn cơm với anh chị ấy với món cá rô chiên dòn. Các con mương xung quanh vườn là niềm vui của tôi ở cái tuổi thơ thật thú vị nầy. Mổi lần anh phát hiện ổ chim, ổ sáo quanh vườn là anh chị ấy để dành cho tôi. Anh bắt mấy con chim trong vườn. Nơi đây cũng là nơi tôi chích ve chuông và nhìn các con nhen, con sóc rất đẹp chuyền qua hết cây nầy đến cây kia. Đặc biệt cây sầu riêng dành riêng cho gia đình là một cây sầu riêng ngon nhất, trái rất nhiều mổi lần vào mùa sầu riêng, anh cắt sẳn và mang lên cho gia đình, mỗi lần như vậy ba tôi không quên cho anh ấy một ít tiền mang về. Nhớ lại hình ảnh ba tôi khi còn sống cùng với tôi đi thăm vườn, gặp bửa cơm trưa anh chị hai Xoài mời hai cha con tôi ăn cơm, bửa cơm đạm bạc với vài miếng khô và canh rau đắng nấu với con cá trào. Ba tôi và tôi ăn ngon lành, anh chị ấy rất mừng. Khi ra về thay vì ra quốc lộ đón xe về như thường lệ, ba tôi bảo tôi cùng đi với ông xuống chợ, ba tôi đi ngay vào tiệm gạo mua ngay một bao gạo ngon và nhờ người trong tiệm gạo mang ngay bao gạo đến cho anh chị hai Xoài. Việc làm của ba tôi làm anh chị hai Xoài rất cảm động và là một tấm gương để lại cho tôi sau nầy. Bình Dương là một xứ sở nổi tiếng về cây ăn trái với những mảnh vườn rộng thênh thang, người dân hiền hòa chất phác. Khi còn là học sinh, một số bạn học sống với gia đình có vườn cây trái, vì vậy mà tôi có nhiều dịp rông chơi với bạn bè trong cái thú vui miệt vườn. Người dân quê thật thà chất phác cho nên rất ít khi có sự trộm cắp trong cuộc sống nông thôn. Không thấy hàng rào ngăn cách vườn nầy qua vườn khác, chỉ cách nhau một cái mương đào. Thời tuổi thơ những địa danh như An Sơn, Bà Lụa, An Thạnh, Búng, Cầu Ngang, Bình Nhâm, Lái Thiêu đâu đâu cũng có bàn chân tôi đi qua cùng với bạn bè trong những thú vui bắn chim, câu cá, bắt cá hoặc chích những con ve chuông trong các vườn măng cụt bạt ngàng. Thật là một tuổi thơ đầy những kỷ niệm êm đềm đáng nhớ. Đời sống thôn quê thật bình lặng, mộc mạc và hiền hòa. Đối với tôi đời sống miền quê, với vườn cây trái tươi mát, với cái thiên nhiên không khí trong lành là một nếp sống nên thơ và lý tưởng. Tôi thật sự yêu cái đời sống bình lặng, yên vui của mảnh vườn quê hương tôi…

Thời gian nhanh chống trôi qua, tôi trở thành một quân nhân, sau khi tốt nghiệp tại quân trường, tôi có dịp trở về quê hương và phục vụ tại một đơn vị ngay chính quê hương mình, những lần hành quân, tôi có dịp trở lại những mảnh vườn khi thì Bà Lụa, khi thì Bình Nhâm, khi thì Lái Thiêu. Tôi cảm thấy xót xa khi thấy cuộc sống tại nông thôn có nhiều bất ổn. Chiến tranh đã tàn phá hoa màu tại một số một số vườn tược, chiến tranh đã cướp mất sinh mạng nhiều người, chiến tranh đã khiến bao gia đình ly tán, đau thương. Người dân nông thôn sống trong phập phòng lo sợ, tai bay họa gởi không biết xảy ra bất cứ lúc nào. Bản thân tôi có lần cũng tưởng bị bỏ xác tại An Sơn trong một cuộc hành quân và người lính dẩm phải một quả mìn. Tôi bị thương vào mông với một mảnh vở của trái mìn và phải tản thương về tổng y viện Cộng Hòa. Môt chủ thuyết ngoại lai mang đến một thảm họa cho dân tộc Việt Nam. Bôm đạn đã cày nát quê hương, người mất, nhà tan, gia đình ly tán. Chiến tranh đã làm cho ba tôi không còn tha thiết giử lại mảnh vườn, người đã bán đi miếng vườn mà tôi yêu thích. Trong khi bán cho người chủ mới ba tôi ân cần giới thiệu anh chị hai Xoài với người chủ mới, và không quên cho anh chị ấy một số tiền.

Từ đó tôi không có dịp trở lại miếng vườn xưa cho đến ngày tôi ra đi sống một cuộc đời mới tại Mỹ sau một thời gian 10 năm bị tù đày khốn khổ. Đối với tôi, mảnh vườn xưa của ba tôi và anh chị hai Xoài trở thành những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời. Khi còn đi làm trước năm 75, tôi có một cái ao ước đơn giản là cố gắng dành dụm để tạo trở lại một mảnh vườn như ba tôi đã tạo ra ngày xưa. Ngày ra khỏi tù vào năm 85, mỗi lần đi về quê nhà thỉnh thoảng tôi có ghé lại một vài gia đình thân quen ngày xưa còn có mảnh vườn, tôi chợt nhận ra rằng đâu đâu cũng buông tiếng thở dài, lắc đầu ngao ngán, nhiều mảnh vườn bây giờ rào dậu chặt chẻ, không còn để trống trải như xưa. Tôi được biết trước tình trạng khó khăn trong cuộc sống, nạn trộm cắp cây trái đang hoành hành khắp nơi, nhiều gia đình người nhà đêm hôm phải ra ngủ bên ngoài để canh vườn. Nếu không canh vườn ban đêm, trộm vào hái trái hết sạch thì không còn gì để mà thâu huê lợi sanh sống. Ngay cả nhà cửa cũng vậy, nếu không có người nhà hiện diện thì những vật dụng quý giá cũng mất đi. Vì trộm cắp quá nhiều mà không bắt được nên hàng xóm láng giềng lại ngờ vực lẩn nhau, cái tình cảm thôn quê ngày xưa rất khắn khít, đôi khi trở nên lạnh nhạt, thù hằn.

Đi vào sâu những mảnh vườn chúng ta thấy một điều kỳ thú là tại khu Cầu Ngang, nhiều chòi tranh được dựng lên trong vườn như một số phòng trọ đầy dẩy khắp nơi. Chủ vườn được tôi hỏi thì họ cho biết, những căn nhà chòi nầy dựng lên như là phòng cho thuê, nơi đây là nơi giải quyết sinh lý của đủ hạng người tứ trẻ tới già. Thật là một tệ hại cho hình ảnh tốt đẹp của miếng vườn nơi miền quê, nhất là một quê hương nổi tiếng với trái ngọt cây lành như Bình Dương.

Trước khi đi định cư tại Mỹ, tôi có dịp làm tại một công ty xuất khẩu nông hải sản, trong đó hạt điều của Việt Nam là một mặt hàng được một số quốc gia ưa thích. Họ mua hạt điều của Việt Nam vì họ cần lấy mủ hạt điều một nguyên liệu dùng chế biến dầu sơn rất tốt. Công ty cho thu mua từ những người thu gôm lẻ để xuất ra nước ngoài và hạt điều Việt Nam là một mặt hàng thu về lợi nhuận rất cao. Nhưng sau một vài lần bị khách hàng nước ngoài phàn nàn vì hột điều của Việt Nam chất mủ đã không còn chế biến được nữa vì đã bị chín đi rồi. Sau nầy công ty mới phát giác ra rằng, hột điều đa số còn non và đã bị luột chín bởi người thu gôm trước rồi, thành ra hột điều nhiều lần bị trả lại với những lời cảnh cáo nặng nề của khách hàng đối tác nước ngoài.

Đi tìm hiểu tận nhà vườn thì được biết vì nạn ăn cắp hoành hành nên người chủ vườn phải thu hoạch khi trái điều còn non, vì nếu để trái già thì không còn hột nửa. Hột còn non thì hột dễ bị teo lại trọng lượng sẽ giãm, vì vậy nếu muốn tránh tình trạng giãm cân thì phải luột sơ qua cho trái căng phòng ra, nặng cân hơn. Việc làm nầy vô hình chung làm mất đi phẩm chất của hột điều. Nói lên thực trạng nầy để thấy một sự thật đáng buồn cho cuộc sống thôn quê ngày nay mà mảnh vườn là một hình ảnh đẹp ngày xưa đã vơi đi môt phần nào…

Từ môt kẻ bại trận, tôi phải trả một cái giá rất đắc với bao năm tháng lê thê tù đày gian khổ. Xả hội mới, chế độ mới không còn là một nơi mình có thể dung thân được nữa. Tôi đành phải ra đi để tìm một cuộc sống mới có tương lai cho con cái và cho gia đình tôi. Tôi phải bấm ruột rời khỏi quê hương, nơi chôn nhao cắt rúng, rời khỏi bao người thân ruột thịt, rời khỏi căn nhà thân yêu với đôi bàn tay trắng. Chánh quyền mới đã dùng chánh sách phân biệt đối xử đối với thành phần làm việc cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa, với cả con cái, truy kích con cái của họ qua cái gọi là duyệt xét lý lịch, chúng tôi không còn con đường lựa chọn nào khác là phải ra đi để tìm một sinh lộ mới cho gia đình. Ngày ra đi chúng tôi bị chánh quyền tịch thu căn nhà và ngay khi ra phi trường Tân Sơn Nhất một cô nhân viên hải quan đòi hỏi vợ tôi giao nộp một chỉ vàng chỉ vì vợ tôi mang chiếc nhẩn cưới mà cô ta bảo rằng hơi lớn hơn quy định. Đây thật là một kỷ niệm rất đáng buồn cho một người bị bắt buộc phải rời quê hương, một nổi đau không bao giờ quên được, cho bản thân tôi và cho cộng đồng người Việt khi nói về quê hương mình…

Tôi ra đi với gia đình mà trong một tâm trạng đắng cay nghiệt ngả. Nhìn bao người thân ruột thịt hai bên trong ngày tiển đưa, nhìn một số đông bạn bè ra tận phi trường lòng tôi buồn nhiều hơn vui. Tôi buồn vì sẽ cách xa bao người thân không biết bao giờ mới có thể gặp lại, nhất là những người thân tuổi đã cao, buồn vì phải rời quê hương thân yêu. Lòng sao cảm thấy thật nhiều tê tái, tôi ôm chầm các anh chị thân yêu như muốn nếu kéo một sự an ũi nào đó cho thật nhẹ nhàng trong giây phút chia tay. Tôi cảm thấy vui vui vì lòng tôi hiểu rằng chuyến đi nầy nó giúp cho tôi có môt sự tự do lựa chọn cuộc sống của chính mình, cho gia đình mình và tương lai các con cái tôi thật sự sẽ được tốt đẹp hơn. Hai nổi vui buồn lẩn lộn nó xâm chiếm tâm hồn tôi trong ngày chia tay đó.

Sau gần một tuần lể tạm dừng chân tại trại trung chuyển ở Thái Lan, chúng tôi cuối cùng đến Mỹ vào trưa ngày 18 tháng 8 năm 91. Mặc dù tôi đã có dịp đi du học tại Mỹ vào năm 68, nhưng tôi cũng cảm thấy nhiều bỡ ngỡ trước một phi trường Lindbergh Field của Sandiego khá lớn. Chúng tôi lần lượt theo đoàn người rời máy bay, đi dọc theo một dãy hành lang khá dài và vào nơi một phòng khá rộng nơi nhiều người đang đợi người nhà trên chuyến bay vừa đáp. Bà xã tôi một tay ôm chặt cái túi đựng hồ sơ cho tất cả gia đình còn tôi và các con đang nhìn vào đám người lố nhố bên ngoài để xem có gia đình chị tôi hay không. Thật may chị tôi và các cháu vừa bước lên cầu thang thì gặp ngay chúng tôi và cả người bạn thân cùng khóa là Hoàng Văn An, một người bạn chí thân vừa qua Mỹ năm 90 theo diện HO như tôi cùng một số người bạn thân làm chung một cơ quan với anh ta. Chúng tôi thật vui mừng ôm chầm người thân và bắt tay người bạn củ vừa mới gặp lại. Một người bạn làm chung với bạn tôi quay phim cho cả nhà chúng tôi những giây phút đầu tiên đăt chân xuống phi trường. Nhờ vậy mà chúng tôi có một cuồn phim video để kỷ niệm sau nầy. Tay bắt mặt mừng, những ánh mắt trong đợi từ lâu của chị tôi và các cháu và người bạn thân hòa trong những lời mừng rỡ trên đôi môi mọi người. Bạn tôi nhanh nhẹn lấy xe đẩy để cùng chúng tôi đi nhận hành lý, các cháu con người chị cùng chúng tôi nhận tất cả hành lý chúng tôi và cùng chúng tôi mang ra khỏi phi trường. Các cháu nhanh chân lái xe đến để chúng tôi mang hành lý lên xe. Chị tôi qua Mỹ năm 83 theo diện bảo lảnh đoàn tụ, các cháu đã học hành nhiều năm qua nên bây giờ vốn liếng tiếng Anh đã khá giỏi, trong thật dạn dỉ, lớn hẳn ra so với con tôi hiện tại. Khác xa với những ngày mấy cháu còn ở Việt Nam, ngày nay sau một thời gian định cư bây giờ các cháu rất tiến bộ rất nhiều. Khi xe chạy về đến nhà chị tôi, chúng tôi được chị chỉ chỗ cất hành lý và nơi ăn ở để bắt đầu cuộc đời mới nơi xứ người. Vợ con tôi và ngay cả chính bản thân mình lòng buồn vui lẩn lộn, một cái cảm giác vừa được vừa mất. Buồn vì xa vắng quê hương và người thân. Vui vì mình sẽ có một đời sống sau nầy hy vọng tốt đẹp hơn, các con tôi hy vọng có điều kiện tiến xa hơn trên con đường học vấn. Trên đoạn đường từ phi trường về nhà người chị, gia đình tôi mọi người không quên nhìn khung cảnh hai bên đường khi thấy xe cộ dập dìu, xa lộ nhiều tầng, đường sá sạch sẽ, khang trang chạy dài. Các cháu lái xe một cách dễ dàng, thành thạo, thật đáng khâm phục. Lòng tôi nghỉ rằng tương lai mọi người trong gia đình rồi cũng được như vậy, lòng tôi tự nhủ mình sẽ cố gắng thật nhiều để được như thế…

Thật cám ơn người chị và các cháu cùng với bạn bè đã tạo điều kiện cho gia đình tôi ổn định trong thời gian đầu, nếu không có các người thân và bạn bè thật là khó khăn cho chúng tôi trong mọi thủ tục nhập cư vì mình như một con nai ngơ ngác giữa chợ đời xa lạ, mọi thứ đều mới mẻ. Cái gì cũng không có đủ điều kiên: xa lạ trong đường đi nước bước, phương tiện di chuyển không có, ngôn ngữ không rành.v.v… Thật là trăm bề khó khăn! Một người bạn cùng khóa anh Nguyễn Đức Phương từ Los Angeles rất xa Sandiego hơn hai giờ lái xe sau khi hay tin gia đình tôi vừa đến định cư tại Sandiego, vội vã lái xe xuống thăm và không quên tặng chúng tôi 2000 dollars để giúp gia đình chúng tôi. Những thâm tình của chị tôi và các cháu cùng với bạn bè đã làm cho gia đình chúng tôi cảm thấy thật nhiều an ủi và giúp cho tôi có thêm nhiều nghị lực để mình xây dựng một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Nhờ sự giúp đở của gia đình chị và bạn bè mà chúng tôi lần lượt giải quyết mọi khó khăn: hoàn tất tất cả giấy tờ tùy thân như làm thẻ an sinh xả hội, thẻ nầy rất quan trọng vì mỗi người dân nhập cư vào bất cứ từ quốc gia nào đều được cấp thẻ nầy, mỗi người có một con số mang theo suốt đời, với con số nầy khi nhà nước cấn xem xét lý lịch một cá nhân nào, họ chì cần bấm con số nầy thì tất cả lý lịch của người ấy đều hiện ra, làm thẻ thường trú nhân, còn gọi nôm na là thẻ xanh (green card), thẻ ID card (identification card) thẻ nầy gần giống như thẻ căn cước của Viêt Nam, thẻ nầy dùng với tánh cách nhận diện vì có hình ảnh của cá nhân người mang thẻ đính kèm. Làm xong tất cả giấy tờ tùy thân phải tốn một thời gian cũng khá dài, nếu không có các cháu đưa đi thì thật là khó khăn cho mọi người mới định cư như gia đình chúng tôi.

Gia đình chúng tôi qua Mỹ theo diện HO, chúng tôi được nhận vào Mỹ theo diện tỵ nạn vì vậy được sự giúp đở của chánh phủ trong một thời gian lúc bấy giờ là 8 tháng, chúng tôi được trợ cấp an sinh xã hội bao gồm có trợ cấp tiền và food stamp cho ăn ở và trợ cấp về y tế. Chúng tôi dùng food stamps để đi chợ mua thức ăn và được khám bệnh và mua thuốc miển phí. Thời gian ở Việt Nam trước ngày lên đường tôi thường nói với các con tôi là chúng ta qua Mỹ để tìm cuộc sống mới bằng tất cả khả năng của chính mình chứ đừng bao giờ ỷ lại vào nhà nước. Phải cố gắng thật nhiều trong ăn học và phải có quyết tâm làm cho được, mọi việc rồi đây sẽ tốt đẹp sau nầy là do chính bản thân mình mà thôi.

Nước Mỹ thật sự là một nước cơ hội, nước Mỹ là một quốc gia tiên tiến với một chế độ tự do dân chủ thật sự, mọi người công dân đều bình đẵng trước pháp luật, không có sự phân biệt đối xử, đặc quyền đặc lợi. Nhất là trên lảnh vực giáo dục, nhà nước tạo điều kiện giúp đở cho học sinh và luôn tôn trọng nhân tài. Chính một chánh sách tôn trọng con người mà bao nhiêu nhân tài trên thế giới đóng góp vào sự phồn vinh của nước Mỹ ngày nay. Vì vậy mà người dân sống tại Mỹ họ tận dụng thời gian để ăn học và làm việc. Mọi người đều có giờ giấc riêng, việc làm theo giờ giấc của mình, người làm việc buổi sáng học vào buổi tối, có người cày hai ba jobs một lúc vì tận dụng thời giờ. Tội nghiệp các cháu con người chị chúng tôi cũng vậy, chúng nó bận việc làm và việc học mà cũng ráng dành nhiều thời gian đưa đón chúng tôi, dành thời gian dạy lái xe cho gia đình chúng tôi để giúp chúng tôi sớm ổn định và nhâp cuộc.

Năm 91 khi chúng tôi qua Mỹ, kinh tế của Mỹ đang trong thời kỳ suy thoái, tìm việc làm rất khó khăn, gia đình chúng tôi đã bắt đầu đi học tiếng Anh tại cơ quan thiện nguyện đồng thời cũng phải kiếm việc làm. Cơ quan thiện nguyện đưa chúng tôi đi xin việc rất nhiều nơi, nhưng đều không được, một phần không có công việc mới tại các hãng xưỡng, môt phân chúng tôi không có môt cái gì làm kinh nghiệm. Tình trạng nầy khiến tôi thật nhiều lo lắng, dù trong tâm vợ chồng tôi muốn làm bất cứ việc gì. Thời gian hưởng trợ cấp rồi cũng hết nếu lở chưa có việc làm thì sao? Thật là một nổi lo vô vàng xâm chiếm tâm hồn chúng tôi. Hai vợ chồng chúng tôi mong cho có việc làm để ổn định cuộc sống, một phần để có bảo hiểm sức khỏe vì tôi và vợ tôi cũng khá lớn tuổi rồi. Lái xe là một trong những nhu cầu cấp bách, vì vậy mà chị tôi và các cháu cũng dành thời giờ dạy cho chúng tôi lái xe, một thời gian sau chúng tôi lần lượt lấy bằng lái xe. Khi lái xe được rồi, chị tôi hướng dẩn chúng tôi đến môt dealer xe để mua trả góp, chúng tôi được họ chấp thuận cho mua trả góp một chiếc xe củ tương đối còn tốt, chiếc xe honda accord đời 1985. Khi nhận chiếc xe hơi đầu tiên trong cuộc đời, chúng tôi mừng vô hạn, một cảm giác lâng lâng khó tả. Trước năm 75 khi còn đi làm, hai vợ chồng với bốn đứa con thơ, chúng tôi lúc nào cũng ao ước mua một chiếc xe hơi để làm phương tiện di chuyển cho gia đình, nhưng chưa có thể thực hiện được, đi đâu cần lắm phải nhờ xe trong cơ quan mà thôi. Ngày nay, sau năm 75, mất hết tất cả, không còn một hy vọng gì, không ngờ hôm nay mình lại có một chiếc xe thật sự do mình làm chủ. Một xe hơi cho cả nhà, đây là một phương tiện cho gia đình để không còn lệ thuộc và làm mất thì giờ quý báu của các cháu. Tôi bắt đầu lần mò tìm đường xá, chở vợ con đi chợ, đi học v.v…Một người quen thấy gia đình tôi cần việc làm. Anh ta nói rằng có một gia đình giàu có gồm hai vợ chồng Mỹ, ở cách xa nhà tôi hơn 1 giờ lái xe, họ cần một người làm quãn gia. Nếu tôi thấy thích cái công việc như vậy thì họ sẽ chở tôi đi xin việc làm. Nói đi làm quãn gia nghe cho nó đẹp chứ thực là đi làm giúp việc nhà như ở Việt Nam mà thôi. Chúng tôi quan niệm là mình phải có công ăn việc làm, dù bất cứ việc gì miển là hợp pháp. Vợ chồng chúng tôi đi theo xe anh ta, lái đến gia đình ấy. Khi đến nơi, tôi được anh ấy giới thiêu với bà chủ nhà và tôi cùng vợ tôi được bà chủ nhà phỏng vấn. Bà ta nói hai vợ chồng bà lớn tuổi, con cái ở xa, chồng bà là một kỷ sư thiết kế về đèn trang hoàng cho nhà cửa, hiện làm việc cho một công ty, ngoài ra còn có mở một xưởng chế biến đèn riêng tại nhà. Thấy tôi nói tiếng anh rành rẽ và nhìn bà xả tôi với nhiều cảm tình, bà rất hài lòng sau khi phỏng vấn. Bà dẩn tôi đi một vòng quanh nhà, chỉ cho tôi một số công việc mà tôi phải làm nếu tôi đồng ý. Bà nói nếu tôi làm được việc, bà sẽ lo cho chúng tôi bảo hiểm sức khỏe và mua cho một chiếc xe làm phương tiện di chuyển sau nầy. Bà dẩn hai vợ chồng vào một phòng ngủ dành cho chúng tôi với đầy đũ tiện nghi và một máy TV riêng. Nói tóm lại nhà cửa quá sang trọng, rộng rải…Tiền lương bà trả lúc đầu là 800 dollars và sẽ tăng sau nầy. Bà nói thêm những giờ rổi rảnh , chồng bà sẽ hướng dẩn thêm về nghề trang trí đèn mà ông chồng làm ở xưởng nhà , ông ấy sẽ trả thêm tiền lương cho . Không còn gì phải từ chối khi mình đang cần việc làm và chúng tôi nhận làm ngay. Trước khi đi, hai vợ chồng đã nói với các con là nếu phỏng vấn mà được nhận ba má sẽ làm việc luôn, cuối tuần ba má sẽ về để các con tôi hiểu mà tự lo liệu công việc hàng ngày. Sau khi nhận việc bà chủ rất mừng và tôi bắt đầu làm việc khi được sự hướng dẩn của bà ấy. Tôi bắt đầu lấy máy hút bụi nhà và vợ tôi đi làm công việc lặt vặt. Buổi chiều ông chồng về bà ấy giới thiệu ông chồng với vợ chồng chúng tôi. ông ấy nói chuyện với tôi và hỏi gia cảnh của chúng tôi. Tôi cho ông ấy biết sự thật là chúng tôi vừa đến Mỹ chưa đầy ba tháng theo diện tỵ nạn. Ông ấy có vẻ rất thông cảm và khuyên tôi hãy cố gắng làm việc, ông ấy dẫn tôi vào cái shop làm đèn của ông ấy và nói sau nầy ông ta sẽ chỉ nghề nầy cho tôi để tôi phụ ông ta. Ông ấy là một người đàn ông rất mập, bệ vệ, nói năng chậm chạp và từ tốn. Nhìn thấy hai vợ chồng bà chủ nhà có lẽ hai vợ chồng tôi đều cảm thấy rất hài lòng với cái phong cách lịch sự dễ mến. Chúng tôi cũng cảm thấy hài lòng ở cái công việc nầy. Tôi đã cảm thấy quên đi cái quá khứ ngày xưa của mình, bây giờ là cái tương lai gia đình và con cái trước mắt, nó đang đè nặng trên đôi vai của tôi, nó đạp qua mọi hèn yếu, nhọc nhằn để tôi tạo dựng cuộc sống mới.

Buổi chiều trôi qua, buổi tối sập đến trong một gian phòng mới xa lạ, lòng tôi bổng thấy một nổi buồn xót xa khi mình xa cách các con trong một không gian như thế. Nhưng là môt người đàn ông, tôi đè nén lòng mình để không bật thành tiếng khóc, nhưng tôi cảm thấy xót xa lắm dù không ai hành hạ mình như những thời gian sống trong tù 10 năm ròng rã. Hơn 10 giờ đêm, quay sang vợ, tôi thấy vợ mình cũng không ngủ được, nước mắt lưng tròng tự hồi nào mà bà ấy cố gắng đè nén, có lẻ bà không muốn để lộ cho tôi biết. Thật là buồn khi nghĩ đến các con, cả hai cùng một tâm trạng như nhau, nên không tài nào chợp mắt được dù rằng công việc nầy củng có thể kiếm ra tiền cho cuộc sống lúc ban đầu. Tôi quay sang ôm vợ để cùng chia sẽ cái tâm trạng xót xa nầy. Vợ tôi không còn âm thầm khóc nữa sau khi biết sự đồng cảm của tôi. Bà bật thành tiếng khóc, tôi an ủi, vổ về. Thôi, để sang mai anh sẽ nói với bà chủ nhà và mình sẽ về với các con, mình không thể làm cái job nầy, chúng mình sẽ tìm một cái công việc khác để sống gần gủi các con. Sáng hôm sau, khi còn trong phòng, tôi đã nghe bà chủ nhà nói chuyện bên ngoài với người hàng xóm, tôi lắng tai nghe thì được biết bà cho người hàng xóm hay là bà vừa mướn được hai vợ chồng người Việt Nam và bà rất ưng bụng, bà sẽ giới thiệu chúng tôi với người hàng xóm nầy. Tôi nói với vợ tôi lát nửa anh sẽ nói với bà chủ nhà để đưa chúng mình về, vợ tôi suốt đêm khóc đôi mắt đỏ hẳn và lúc nào nước mắt cũng có. Một lát sau bà chủ nhà gỏ cửa, tôi mở cửa để bà ta vào phòng. Bà hỏi chúng tôi đêm qua có ngủ được hay không và chuẩn bị đi với bà ra chợ bà mua cho chúng tôi một ít quần áo, sau nầy bà sẽ cho tôi một cái xe riêng để tôi tự lái. Tôi nhìn bà với lòng ái náy. Tôi nói ngay với bà ấy là tôi muốn thưa bà môt việc là chúng tôi cám ơn ông bà đã cho chúng tôi công việc làm. Nhưng qua một đêm không thể nào ngủ được vì chúng tôi rất nhớ đến bốn đứa con gái đang sống bơ vơ không có cha mẹ khi chúng tôi mới định cư tại đây. Tôi chỉ bà xả tôi đang nước mắt ràng rụa, bà ấy nhớ con và khóc suốt đêm không ngủ được. Bà chủ nhà ôm chầm lấy vợ tôi và bà nói bà đã làm mẹ nên bà hiểu tâm trạng của một bà mẹ là như thế nào. Bà tỏ vẻ cảm thông, bà sẽ nói ông chồng đưa chúng tôi về nhà và bà lấy làm tiếc không mướn được chúng tôi. Lúc ấy chồng bà cũng vừa đến, bà cho chồng bà hay sự việc. Khi nghe xong, ông chồng quay sang nói với tôi, anh cứ nói với mấy người con khi nào cần cứ đến nhà găp, không có gì trở ngại, nhà có phone, anh có thể xử dụng để liên lạc với gia đình khi cần. Ông ấy muốn chúng tôi ở lại làm việc cho ông bà ấy, nhưng tôi nghĩ mình không thể làm công việc nầy được và cuối cùng ông chồng đưa chúng tôi về nhà. Một vài ngày sau, Trâm cùng bà xả tôi đi tham dự một cuộc dự thi môt công việc phục vụ thức ăn cho học sinh trong trường học, công việc nầy đòi hỏi phải am tường các nguyên tắc vệ sinh, nhờ có Trâm nên bà xả tôi pass được cái test nầy và nhận được việc làm part time tại một trường học với cái job foods service, thời gian cũng không nhiều lắm và không có quyền lợi gì ngoài đồng lương, khi học sinh nghỉ là mình không có việc làm. Trường nghỉ học thế là mình ngồi chơi xơi nước…

Tiếp theo chúng tôi được chị Hoàng Văn An cho hay hãng sản xuất văn phòng phẩm nơi chị ấy làm đang cần thêm người, thế là chúng tôi đến nộp đơn xin việc ngay. Việc phỏng vấn chỉ đơn giản mà thôi và chúng tôi đươc nhận làm. Việc làm không khó chỉ là đóng gói bao bì cho thành phẩm, công việc nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi nhanh tay. Hãng nầy khá đông công nhân người Việt Nam, người giám thị cũng là người Việt Nam nên nói tiếng Việt búa xua, không cần tiếng Anh nhiều. Hãng nầy là hãng nhỏ, công nhân đươc trả lương rất rẻ, lại không có quyền lợi gì nhiều. Tuy nhiên có việc là may lắm rồi, không còn cách lựa chọn nào khác. Trong lúc ấy chúng tôi đã mướn nhà ra ở riêng để có cái tự do cho gia đình. Hơn nữa vì làm ăn thất bại sau khi làm mở nhà hàng, chị tôi phải giao nhà lại cho nhà ngân hàng vì không trả nổi tiền nhà. Chúng tôi và gia đình chị tôi đi thuê nhà để ở gần nhau. Tôi thuê một căn chung cư hai phòng ngủ để cho gia đình sáu người ở, nhờ phòng khách phòng ăn và phòng ngủ rộng rải, nên gia đình tôi cũng cảm thấy ấm cúng. Nhu cầu trang bị cho một căn nhà cũng tốn khá nhiều tiền. Chúng tôi tìm mua đồ dùng củ, bao gồm bàn ghế, gường ngủ, một số tôi đi nhặt khắp nơi, những thứ mà người ta bỏ đi để mang về sửa lại mà dùng bất cứ thứ gì mà người ta bỏ tôi thấy còn dùng được thì tôi mang về. Con tôi đã bắt đầu vào trường học lại anh văn những lớp anh văn từ căn bản đến cao cấp để đủ tiêu chuẩn được nhân vào đại học. Cháu Trâm nhận được việc làm trước tiên, làm cashier cho môt store của Mỹ, rồi đến Nhạn làm cho một công ty chế tạo màn cửa sổ, Trinh vào làm môt hảng điện tử chỉ còn Trang chưa có viêc làm. Các cháu vừa làm vừa ghi danh đi học nên rất vất vả. Tối về phải thức rất khuya và sang đi làm sớm. Nhà chỉ có môt xe nên tôi phải chạy đi đưa đón hàng ngày. Còn phần hai vợ chồng tôi làm tại hãng nầy chẳng bao lâu thì hãng bị xuống dốc cho nghỉ việc hàng loạt. Hai vợ chồng tôi cũng cùng chung số phận mất việc trong lúc nhu cầu trả bill hàng tháng đè nặng trên vai. Hàng tháng trả tiền thuê nhà, tiền nước, điện, tiền điện thoại, tiền bảo hiểm xe, tiền trả góp mua xe v. v... chưa tính tiền xăng nhớt, tiền sửa xe và tiền chi tiêu cơm nước và linh tinh đủ thứ cho nhu cầu cuộc sống. Đó là nỗi lo của chúng tôi không biết tỏ cùng ai, trong khi đó cả hai chúng tôi lại bị mất việc. Ngày bị lay off, cầm tấm giấy trong tay, vợ tôi khóc rất nhiều khi đi ra khỏi hãng. Tôi lái xe trên đường về phải an ủi vổ về. Em đừng lo quá, để rồi anh cố gắng tìm việc làm khác, biết đâu sẽ khá hơn công việc vừa rồi. Về đến nhà tôi vôi chạy đi mua một tờ báo mới và lật ra các mục tìm việc làm. Tôi lấy viết khoanh những công việc mà mình có thể làm được. Tôi chấm cái hãng Eco Air, môt hãng chế tạo bộ phận lọc không khí gia dụng, ghi rỏ địa chỉ để sáng hôm sau đi nộp đơn xin việc. Tôi chở vợ tôi đến thì thấy hảng nầy rất gần nhà, khoảng chừng 7 phút lài xe. Tới nơi thấy hãng khá lớn, bà xả tôi đâm ra khớp, bà ấy sợ mà không muốn vào, tôi bảo em cứ vào với anh, Sau cùng vợ tôi đi vào với tôi. Khi tôi tiếp chuyện với cô nhân niên tại phòng tiếp khách, tôi nói tôi muốn xin việc làm, cô ta đưa cho tôi hai cái đơn để chúng tôi điền vào. Chúng tôi ngồi điền xong để xin cái công việc đăng trên báo mà hảng đang cần. Công việc của một anh lao công chuẩn bị cho hảng đàng hoàn, tươm tất, sạch sẻ trước khi nhân viên đến làm. Sau khi điền đơn xong, tôi đưa lại cho người receptionist, cô ta bảo tôi ngồi chờ trong phòng khách để cô ta mang đơn chúng tôi vào cho bà giám đốc nhân viên. Điền đơn để mà điền vậy thôi chứ thực ra mình cũng không hy vọng gì nhiều, vì mình có kinh nghiệm làm việc nầy bao giờ đâu. Người ta sẽ đòi hỏi những người có kinh nghiệm hơn thì mình làm sao tranh cho được. Khoảng 15 phút sau, người receptionist trở ra và mời chúng tôi vào gặp bà giám đốc nhân viên để được phỏng vấn. Khi vào đến nơi, sau khi chào hỏi thông thường bà giám đốc bắt đầu hỏi tôi về lý lịch, gia cảnh và những kinh nghiệm trong việc làm, tôi nói sự thật về mình và cho bà ấy biết hoàn cảnh của gia đình tôi vừa mới qua Mỹ và bây giờ chúng tôi cần công việc làm và chúng tôi rất muốn học hỏi và làm việc rất thiện chí trong công việc được giao. Có lẻ bà ta củng thấy thông cảm một phần nào về hoàn cảnh của tôi khi hỏi về lý lịch của tôi. Bà bảo hai vợ chồng tôi đi theo bà để dẫn chúng tôi đi một vòng xem cái hãng và sau đó trở lại phòng. Bà nói bà còn phải phỏng vấn thêm vài người nữa mới quyết định được và bà nói chúng tôi ra về có gì bà sẽ gọi lại sau nếu chúng tôi được mướn. Hai vợ chồng lái xe về nhà và tôi lại kiếm công việc khác. Hai vợ chồng đâm ra lo lắng vì làm sao có tiền để trang trải cho cuộc sống sắp tới…Hai ngày sau, tôi nhận được một cú điện thoại từ hảng Eco Air, nơi chúng tôi có cuộc phỏng vấn vừa qua, chúng tôi được cho biết cả hai đều được nhận vào làm trong hãng nầy, bắt đầu vào ngày thứ hai tuần tới. Thế là vợ chồng tôi được nhận vào làm việc. Khi bắt đầu làm việc, tôi cố gắng tìm hiểu công việc và tiếp xúc với nhân viên trong hãng. Trong hãng chỉ có chúng tôi là nhân viên Việt Nam, công nhân lao động sản xuất 90% là người Mể Tây Cơ, một vài người Phi, hai người Việt Nam là chúng tôi. Còn lại là người Mỹ nắm vị trí điều hành. Tôi nhận việc từ người manager và phân công tác cho vợ mình. Cả hai vợ chồng cùng cố gắng làm tròn trách nhiệm không để trở ngại công việc và sự phiền hà. Mổi sáng thức dậy lúc 3 giờ rưởi sáng, gói ghém cơm mang theo và đến hãng vào lúc 4 giờ sáng và làm cho tới 1 giờ trưa, tôi dùng chìa khóa mở cửa được cấp, bấm code để vào làm khi trời còn tối. Chuẩn bị mọi thứ trên văn phòng tươm tất sạch sẻ để sáng các nhân viên vào làm việc. Lúc đầu các nhu cầu dụng cụ, vật liệu hết cần mua thêm cho hảng, tôi trình nhu cầu và người manager trực tiếp để order. Về sau những nhu cầu nầy tôi trực tiếp, làm việc với các saleman của các hảng phân phối, ngay cả giao dịch trực tiếp với người đại diện của hảng phân phối. Chúng tôi lần lần trở thành người employee permanent của hãng sau 3 tháng, tôi có mọi quyền lợi quy định như bảo hiểm sức khỏe, nghỉ bịnh hàng năm và nghỉ phép và được gởi tiền tiết kiệm 401k có lời sau khi mình hưu trí v.v…Nhiều lần tôi được đề nghị làm công việc có lương cao hơn và hảng trợ cấp cho tôi đi học thêm về computer, nhưng nếu tôi đi làm công việc khác lại gặp trở ngại cho vơ tôi. Cuối cùng tôi chấp nhận cái công việc làm với vợ cho đến ngày nghỉ việc. Chúng tôi an phận trong công việc mình làm để cho con cái được yên tâm trong việc học. Tôi hòa mình, thân thiện với mọi công nhân, nhất là công nhân người Mể. Tôi mua sách và tự học tiếng Mể để nói chuyện với mọi người Mể không nói được tiếng Anh. Lần lần hai vợ chồng chúng tôi đươc cảm tình với tất cả mọi người từ trên xuống dưới. Vì vậy chúng tôi được tự do làm việc, không có ai giám sát. Mổi lần lể lớn vào dịp cuối năm, hai vơ chồng chúng tôi đươc nhiều người thương và rất thông cảm, ngoài phần thưởng của hãng, ông President của hãng thường trao quà riêng cùng thiệp chúc mừng đặc biệt cho hai vợ chồng chúng tôi. Ngày hôm nay, cái hãng đã không còn tại Sandiego, hai vợ chồng tôi nghỉ hưu, ông President nay cũng đã nghỉ hưu nhưng hai ông bà president của hãng thỉnh thoảng vẫn còn liên lạc với chúng tôi với sự quý trọng. Khi còn làm việc, hai vợ chồng chúng tôi là công nhân tầm thường, ông ấy là một nhân viên cao cấp nhất hãng, ông ta thường nhắc nhở chúng tôi là nên xin nghỉ phép và chớ làm việc quá nhiều. Hai lần nghỉ phép về Việt Nam dài hạn, hãng phải mướn người tạm thời thay thế chúng tôi. Khi trở lại chúng tôi tiếp tục công việc một cách bình thường với nhiều lời thăm hỏi của mọi người sau chuyến nghỉ phép dài hạn về thăm quê nhà .

Nhìn thấy nhu cầu cuộc sống cần rất nhiều tiền, nhất là nhìn thấy bà con ruột thịt nơi quê nhà, hai vợ chồng chúng tôi xin thêm việc làm ngoài giờ làm trong hãng, cả hai chúng tôi lảnh công việc làm clean up cho ba nhà vào chiều thứ sáu cuối tuần. Chúng tôi dọn dẹp lau chùi nhà cửa để có thêm một ít tiền công, việc nầy kéo dài hơn mười năm, ngoài ra tôi gôm nhặt các lon nhôm trong hãng để dành lâu lâu đi bán phế liệu, ăn xài không dám để có tiền gởi về cho bên nhà hoặc lâu mang quà về thăm gia đình bên Việt Nam. Mổi lần như vậy về lại Mỹ chúng tôi lại nay lưng ra đi cày để trả nợ lòng vẩn vui không môt tiếng thở than vì một tình cảm thiêng liêng, tình anh chị em và các con cháu ruột thịt bên nhà!
Các con tôi cũng cố gắng rất nhiều trong việc làm và ăn học. Trâm, Nhạn và Trinh học rất được, càng ngày càng tiến bộ và được tiền trợ cắp của nhà nước và tiền mượn (Student loan) và hoàn trả lại sau khi có công ăn việc làm mà không tính tiền lời hoặc tiền lời rất thấp. Riêng Trang mất căn bãn nên không thể tiến xa trong việc học nên phải học một nghề làm nail để tiến thân và nhờ vậy mà giúp rất nhiều cho gia đình và cho các em tiến trên con đường học vấn. Nhu cầu công ăn việc làm, nhu cầu học vấn đòi hỏi phải chạy theo thời gian, một chiếc xe không đủ nên lần lượt chúng tôi mua thêm ba xe nửa cho Trâm,Trinh và Nhạn. Các cháu Trâm, Nhạn và Trinh lần lượt bước vào ngưởng cửa đại học, Trâm, Trinh học tại đại học ở Sandiego, Nhạn vào đại học ở Pomona, cách nhà hơn hai tiếng lái xe. Các cháu lần lượt ra trường với những văn bằng tốt nghiệp đại học để có môt công việc làm tương đối lương khá hơn cho cuộc sống trong tương lai sau nầy.

Trong cuộc sống nơi xứ người tuy thật tự do, nhưng không phải dễ dàng. Tất cả phải dựa vào nghị lực và sự quyết tâm. Cha mẹ là một tấm gương và là một sự hy sinh cho các con. Chính nhờ như vậy mà các con nhìn vào và cố gắng cho thành đạt dù phải vượt qua nhiều gian nan thử thách.

Khi qua Mỹ với hai bàn tay trắng để làm lại cuộc đời khi mà tôi đã mất tất cã, tôi không còn nghĩ gì đến lợi ích của bãn thân, tôi chỉ nghĩ đến tương lai gia đình và tương lai của các con. Tất cã mọi việc tôi tin tưởng vào người vợ cùng chia sẽ với tôi bao khó khăn nặng nhọc, tiền lương làm ra tôi chưa hề xài cho riêng tôi, tất cã giao cho vợ lo liệu trong ngoài. Chúng tôi cã gia đình bước đi từng bước từ từ, mua từng chiếc xe cho nhu cầu, di chuyển dọn nhà nhiều lần. Lần lần nhờ sự cố gắng trong việc học , các con đã ra trường có công ăn việc làm. Trâm lập gia đình với Tạo với hai đầu lương tương đối thoải mái hơn, Chúng nó mới quyết định mua nhà, thay vì cứ tiếp tục ở nhà thuê. Một cái nhà đầu tiên cho gia đình làm nền tãng cho cuộc sống sau nầy. Sau khi có nhà của Trâm và Tạo, gia đình về đó ở sinh sống, còn Trâm và Tạo sống với gia đình bên Tạo. Thời gian sau, Nhạn tiếp tục ra trường và cũng có công ăn việc làm. Với sự phụ giúp do đồng lương chúng tôi làm việc để dành trong hảng chúng tôi quyết định mua một căn nhà thứ hai mà chúng tôi ở tới ngày hôm nay. Củng cần nói thêm, khi trực diện với bao nổi khó khăn của cuộc sống hiện tại, chúng tôi cảm nhận sự giúp đở của người chị ruột khi biết chúng tôi cần tiền để làm mọi thủ tục xuất cảnh, chị gởi ngay cho chúng tôi một số tiền là 1,700 dollars cho chúng tôi, nay thấy chị ấy bị sa sút, chúng tôi gởi lại chị số tiền trên ấy dù chị không muốn nhận lại, chúng tôi phải nói thật lòng mình chị ấy mới nhận. Chúng tôi cũng không quên hoàn lại 2,000 dollars cho vợ chồng người bạn cùng khóa anh chị Nguyễn Đức Phương dù rằng hai người bạn nấy cũng không muốn nhận lại. Xin cám ơn Thượng Đế đã ban cho tôi bao tình thương ruột thịt và bạn bè trên bước đường xây dựng lại cuộc sống nơi xứ người.

Điều ước mơ khi còn ở bên nhà là tôi cố gắng gầy dựng lại cuộc sống, cố gắng để có ngôi nhà và mảnh vườn như ba tôi đã tạo ra bằng đôi bàn tay và khối óc của mình. Nhà của Trâm Tạo khi mới mua xong, tôi bỏ ra rất nhiều công sức, bứng đi rất nhiều gốc cây và trồng nhiều cây ăn trái. Ngôi nhà thứ hai cũng vậy, tôi đã biến một cái sân sau và sân trước đầy cỏ trở thành một miếng vườn Việt Nam quê hương thu gọn. Muốn được như vậy ngoài giờ đi làm, Tôi dành hết thời gian còn lại vác cuốc cuốc hết cỏ, loại hết rể và bang đất cho bằng mặt và mua gạch về lót và làm tất cả mọi việc bằng sức của mình, tôi bứng từng góc cây che mát không cần thiết và thay vào bằng các loại cây ăn trái. Tôi trồng nhiều cây ăn trái ngon từ cái hột, những cái cây nầy tôi gieo sẳn trong chậu tại nhà Trâm và nay đã có nhiều trái rất say. Nay nhìn lại một mảnh vườn khang trang, nhiều cây trái xanh tươi, mát mẻ, ai đến chơi đều củng thích thú. Lòng chúng tôi rộn lên niềm vui và cũng không ngờ mình làm được như vậy. Với sức khỏe như hiện nay nhìn lại chắc mình không làm đươc nữa. Tôi và vợ tôi ngày hôm nay đã nghỉ hưu trong cái tuổi già hàng ngày có thể chăm sóc và tận hưởng những giây phút thoải mái những thành quả trong công việc làm của mình gần hai mươi năm trên đất Mỹ. Lắm lúc tôi nhớ đến ba tôi khi tạo ra mảnh vườn ở Búng với anh chị Hai Xoài. Nay cái mảnh vườn ấy đã đi vào quá khứ cùng với ba tôi và anh chị Hai Xoài nhưng tôi thấy hình như ba tôi và hai người ấy nở nụ cười hình như cậu Út con ông Ba cũng biết làm vườn dữ ha! Tiếc rằng trong miếng vườn nầy không có mương đào xung quanh, không có con cá sặc bướm, con cá bảy trào, không có tiếng hát của con ve sầu, ve chuông. Sau vườn có nhiều chim lạ hót vui vui nhưng vẫn thiếu tiếng hót lảnh lót của con chích chòe, con sáo, con cưởng như ngày xưa. Không có cây sầu riêng ngon của mẹ ưa thích và nhiều thứ của miếng vườn ngày xưa nơi quê nhà. Nhìn cây trái say cành với nhiều trái cây bản xứ như như bôm, đào, plum, nectarine, táo và môt vài loại giống trong nước như bưởi, cam, quít, chanh, thanh long, nhãn nhưng vẩn thiếu hương vị quê hương qua các trái sầu riêng, măng cụt chôm chôm, bòn bon, mãng cầu v.v…

Lắm lúc nhìn giọt mưa rơi, thời tiết gió buốt, tôi cảm thấy lành lạnh tận tâm cang. Tôi chợt nhớ những ngày gió buốc trong cái rét thằng bân tại trại cải tạo Hoàng Liên Sơn mà thầm cám ơn Thượng Đế cho tôi có thể tồn tại đến ngày nay. Tôi nhớ lại một đêm mưa gió, trên vai nặng oằng môt gánh hom sắn đi trên môt đoạn đường dài, lót đá xanh lỡm chỡm, và trải đất sét nhảo nhẹt trơn trợt. Trong bóng đêm như mực, đoàn tù lầm lũi bước đi, chỉ hướng theo ánh sáng đèn pin của tên cán bộ cai tù với tiếng hò hét thúc hối. Chân tôi lạnh ngắc, đôi dép rách nát và đã vuột mất từ lâu vì đường lầy lội, lại lổm chổm đá nhọn. Mỗi bước chân trơn trợt là mổi cái đau thấu xương. Trên bước đường dài hơn 5 cây số, hết người nầy té đến người kia té và bản thân tôi không biết bao nhiêu lần. Tôi thầm cầu nguyện cho tôi được an toàn vượt qua đoạn đường nầy. Tôi nghĩ đến vợ con mà mình cố gắng phải tồn tại và đừng bao giờ nản chí. Tôi cầu nguyện và cầu nguyện trên suốt đoạn đường. Trong cái giá buốc mưa phùng của miền Bắc, có lần trên một đỉnh đồi cao, tôi trợt chân rơi từ trên xuống một vực sâu cùng với bó giang. Thân tôi rơi một cách tự do xuống một rừng đầy giang phía dưới vực đồi nhưng may mắn thay tôi rơi đúng vào một cái nệm đầy lá giang rất dầy mà không bị một thương tích gì. Những lúc ốm đau bệnh tật, chứng kiến bao người ngả gục vì không chịu nổi cái đói rét, thiếu thuốc men, thiếu dinh dưỡng hoặc những giây phút căng thẵng thần kinh vì phải đối phó với cán bộ trong tù. Ngày hôm nay, trong mảnh vườn nho nhỏ, lòng tôi chợt nhớ đến cha tôi vì người là một tấm gương, chịu bao nhiêu gian khổ để gầy dựng gia đình qua đôi bàn tay trắng của một đứa bé nhà nghèo. Cám ơn Thượng Đế đã cho con sức chịu đựng dẻo dai để con có thể tồn tại đến ngày hôm nay, bên miếng vườn nầy. Bây giờ, nhiều khi ngồi hàng giờ chung nhau cùng nhìn về hàng hoa, cây trái xanh tươi, từng búp non đang vương lên, hai vợ chồng già cùng thấy lòng mình lắng động nghĩ đến quá khứ với bao thăng trầm cùng với vận nước , nghĩ đến biết bao gian khổ mà mình đã vượt qua mà thầm cám ơn Trời Phật và Đấng Thiêng Liêng đã giúp cho mình đủ nghị lực để hưởng được cái phước ngày hôm nay. Nghĩ đến tình đời lắm lúc củng đắng cay, ích kỷ, nhỏ nhen làm mất đi tình nghĩa ngay cả ruột thịt thân yêu mà buồn buồn cho thân phận con người. Xin cầu nguyện Ơn Trên cho con người nhìn ra được bản ngã của mình mà tịnh tâm, cho con người thương yêu nhau hơn một cách chân thật và bao nhiêu lụy phiền không còn vương vấn trong tâm, cho nụ cười luôn nở trên môi như đóa hoa rạng rở trong vườn.

Thời gian trôi nhanh, thế hệ nầy tiếp nối thế hệ sau, cậu bé học sinh trường Minh Tâm, Trí Đức, Bán Công và Pétrus Ký ngày nào còn chạy tung tăng trong mảnh vườn của cha mẹ dưới Búng, vui với anh chị Hai Xoài khi bắt được con chim, con cá, hái hết trái nầy đến trái khác một cách thỏa thích với bạn bè mà giờ đây trở thành ông lão làm vườn, đầu đã trọc, mất hết tóc theo bao nổi thăng trầm trong cuộc sống và theo vận nước. Ông lão ấy rất yêu quê hương và thương đất nước và gia đình, ông lão ấy rất nhớ quê nhà nhưng bây giờ chắc chắn một điều là không thể nào về lại quê hương sinh sống. Đó là một điều thật đau lòng không những của ông lão làm vườn mà của cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Lão làm vườn đã cố gắng để lập lại cuộc sống bị mất từ trong nước củng như biết bao nhiêu lão làm vườn khác đang gầy dựng biết bao nhiêu mảnh vườn với biết bao nhiêu con cái thành đạt trên mọi lảnh vực. Một cộng đồng người Việt nơi hải ngoại đang trưởng thành với bao thế hệ kế tiếp từ nhiều ông lão làm vườn hợp lại.

Hàng năm, cộng đồng người Việt ở hải ngoại mà bắt nguồn từ những ông lão như lão làm vườn, gởi về quê nhà trên 10 tỷ dollars cho quê nhà, con số nầy không phải nhỏ cho một nền kinh tế còn non trẻ trong nước. Nhà nước tại Việt Nam biết rỏ hơn ai hết về việc nầy, nhưng rất tiếc vẫn còn rất nhiều khó khăn cho một sự thay đổi chánh sách một cách chân thật để bao mảnh vườn ở hải ngoại hòa chung một nhip điệu, một hơi thở với các mảnh vườn trong nước. Xin cầu nguyện Ơn Trên, Đấng Thiêng Liêng chỉ lối soi đường cho những người cầm quyền trong nước vì quyền lợi của tổ quốc và đất nước, mà thay đổi chánh sách cho phù hợp với lòng dân cho mọi người tin tưởng, cho mọi người dân được sống ấm no hạnh phúc, để không còn ngăn chia ranh giới giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và một chánh phủ trong nước như hiện nay. Chừng đó nhà nước khỏi phải cần kêu gọi gì hết, khỏi cần mở hội nghị Việt kiều yêu nước hàng năm mà chẳng có kết quả bao nhiêu, chừng đó phái đoàn trong nước đi công du ở đâu cũng được đón tiếp nồng nhiệt thay vì bị biểu tình phản đối khắp nơi trên thế giới và không thể xuất hiện trực tiếp nơi cộng đồng người Việt như bao năm nay. Chừng đó cộng đồng người Việt sẽ về nước thật nhiều để đóng góp công sức, trí tuệ một cách hửu hiệu cho sự phồn vinh của đất nước. Cộng đồng người Do Thái họ đã là một tấm gương cho đất nước và cho dân tộc họ, đây là một tấm gương mà chánh phủ trong nước nên nhìn thấy. Cộng đồng Do Thái tại Mỹ họ có thể khuynh đảo chánh phủ Mỹ cho quyền lợi của đất nước họ.

Mong lắm thay nhưng biết đến bao giờ hay không bao giờ đến!

Lão Làm Vườn/Sandiego.

No comments:

Post a Comment