Friday, August 13, 2010

Ông Mỹ già và con hẻm số 131

                                       Ông Mỹ già và con hẻm 131.
Vừa về nhà chưa đầy mười lăm phút, tôi bổng nghe âm thanh quen thuộc hàng ngày và tiếng trẻ em trong xóm reo đùa:
-Ông Mỷ về, ông Mỹ về….!
Hai thằng con của chú Bảnh con ông bà Ba bán quán trước nhà tôi hình như lúc nào cũng la to nhất. Nhà kế bên mặt nhà tôi là nhà chú Thông chạy xích lô, chú có nhiệm vụ đưa rước người Mỷ già có vợ Việt Nam, chú được ông Mỹ thuê đưa rước hàng ngày, trả tiền hàng tháng hơn một năm qua, nhà ông Mỹ nầy kế nhà tôi bên phải.
 Khi ông Mỹ hàng xóm về thì chú Thông cũng về theo. Người Mỹ nầy cũng khá lớn tuổi trạc độ 65, ông ta làm việc tại một PX của Mỹ trong khu vực Cholon. Ông ta cưới chị Năm Nuôi trẻ tuổi hơn ông rất nhiều và có một đứa con gái lai Mỹ rất dể thương.Ông rất vui mừng và lo lắng săn sóc cho vợ con rất đàng hoàn. Nhiều lần chị ấy tâm sự với chúng tôi cũng như bà con trong hẻm:
- Ông Tôm (Thomas) rất tốt với tôi và gia đình, cô dượng Út có biết không nhà nầy xây cất lên hai tầng lầu đều là tiền của ông ấy, nhờ vậy mà có chổ ở cho hai vợ chồng đứa em trai, hai đứa con gái riêng của em.
Ngừng một chút như rươm rướm nước mắt, chị kể tiếp:
-Em có một đời chồng và có hai đứa con gái. Khi có hai đứa con anh ấy sanh ra cờ bạc, rượu chè, có bồ khác. Nhà cửa sa sút, có lúc em định tự sát với hai đứa con gái vì nợ nần quá lớn! Em khổ vô cùng!
Tôi hơi thắc mắc, tôi hỏi chị ấy:
-Vậy ngày xưa anh ấy làm gì?
Biết tôi thắc mắc về người chồng củ của chị, chị giải thích với tôi:
-Anh ấy chạy xe be kéo gổ vùng Hớn Quản, Lộc Ninh, lúc đầu làm ăn cũng khắm khá vì mua bán gổ quí.
Chị ngừng một lát như nhớ lại quảng đời còn nhiều hạnh phúc:
-Khi sanh đứa con đầu, anh ấy hết sức thương yêu hai mẹ con em. Đứa con gái thứ hai được bốn tuổi thì anh ấy bắt đầu sanh tật, luôn luôn vắng nhà không lý do và cuối cùng bê tha rượu chè, cờ bạc và chết vì say rượu khi lái xe ở Bến Cát, Bình Dương.
Chị nói tiếp:
-Em bắt đầu nghèo, không biết làm sao mà sanh sống. Em nhờ một người bạn đi làm sở Mỹ giới thiệu em đi làm ở căn cứ Long Bình.
Ngừng một chút chị nói:
-Một ngày Thomas cùng bạn đến Long Bình giao hàng, em ra nhận hàng để cất vào kho và ông ta đến làm quen. Sau đó ông ấy xin địa chỉ và không ngờ ông ấy tìm đến nhà.
Tôi buông câu hỏi để tìm hiểu:
-Thấy ông Mỹ đến chị thế nào?
Chị nói như cố nhớ lại kỷ niệm xưa:
-Em làm việc, tiếp xúc với nhiều người Mỹ tại sở làm một cách bình thường vì việc ai nấy làm. Nhưng ông Tôm nầy mới quen lần đầu đã xin địa chỉ, lại lù đù tới vào buổi chiều trời sắp tối. Dượng Út biết hôn, em rất lính quýnh khi thấy ông ta tìm đến bất ngờ.
Chị cố nhớ lại khung cảnh hội ngộ đầu tiên với Tôm, chị nói tiếp:
-Má em, chị Hai và hai đứa em trai, cả hai đứa con gái nữa, ai cũng nhìn em như phán đoán ông ta như thế nào với em. Cái mà em ngại nhất là hàng xóm láng giềng khi mà ông chồng nhà em mới vừa mất chưa đầy hai năm. Thật tình mà nói bửa đó em vừa lo, vừa sợ!
Nữa chừng đứa con gái gọi nhắc chị :
-Má nhớ chiều nay mang hai chai dầu thơm, hai cây thuốc ba số 5 cho bà tư Ôỉ để bà giao cho khách của bà ấy.
Chị ấy trả lời cho đứa con gái:
-Má nhớ rồi, bây giờ còn sớm, ông Tư Ôỉ và bà ấy chưa về.
Rồi chỉ kể tiếp:
-Sau lần đến nhà lần đầu tiên, ông ấy tự động tới nhiều lần và mổi lần như vậy ông ấy mang cho gia đình tôi rất nhiều quà. Rồi nhờ quà của ông ta mà tôi đem bán kiếm được khá nhiều tiền để lo cho cuộc sống của gia đình em. Em như một người chết đuối vớt được một cái phao và ông ấy xin cưới em.
Rồi với một giọng thành thật chị thổ lộ:
-Thấy ông ta thành thật và rất hiền nên em mới chịu cho ông ta cưới, và có một cháu bé nên ông ta rất thương. Ông ta lo xây lại nhà cho em và lo cho tất cả mọi người trong nhà nên ai cũng thương ông ấy.
Chị nói tiếp:
Từ ngày có cô dượng dọn về đây, dượng Út là người duy nhất mà ông ấy rất thích trò chuyện, chứ trong cái hẻm nầy ông ấy chỉ giơ tay chào mọi người mà chưa hề ông ấy nói chuyện với ai. Vì vậy mà ông ấy mổi lần thấy dượng Út đi làm về là ông ấy mừng lắm.
Từ ngày hai vợ chồng tôi mua căn phố kế bên, tôi lại có một người bạn láng giềng là một ông Mỹ già. Tôi thấy anh ta sống đơn giãn và rất hòa mình với mọi người trong khu phố. Đó là môt nhận xét mà tôi nhìn một người Mỹ già, người bạn láng giềng với nhiều cảm tình. Món ăn mà anh ta thích nhất là món bánh giò cháo quảy của người Hoa Kiều. Hầu như ngày nào ông ta cũng ăn món nầy khi ngồi trước hàng ba để nói chuyện với tôi. Tôi thích trò chuyện với ông ta để trao giồi vốn liếng tiếng Anh còn rất dở của mình và anh ta thích nói chuyện với tôi để tìm hiểu thêm phong tục tập quán của người Việt Nam.
Người Mỹ già trong con hẻm nhỏ luôn luôn tạo niềm vui trong khu phố qua đám trè con mổi khi ông ta đi và về trên con hẻm. Ông ta không quên lúc nào cũng có bánh kẹo phân phát cho đám trẻ con
Với bản tánh hiền hậu và hòa mình với khu phố từ trong hẻm ra đầu hẻm, khi ngồi trên chiếc xích lô từ trong hẻm đi ra cũng như từ ngoài hẻm đi vào, Tôm thường cúi đầu chào hết người nầy tới người nọ, luôn luôn kèm theo nụ cười trên môi.
Hàng xóm láng giềng thường nhờ ông Mỹ già khi cần mua sắm hàng Mỹ trong PX vì ông ta làm trong cái kho nầy. Hàng ngày ông mang về biết bao là hàng hóa của Mỹ, hầu như mọi người trong khu phố cần thứ gì nói với gia đình là ông mang về thứ ấy. Từ hàng Mỹ phẩm, hàng gia dụng đến máy móc điện tử đủ loại. Vì vậy mà ông Mỹ già hầu như được cảm tình với mọi người và nhất là đám trẻ con. Trong hẻm có lẻ gia đình ông Tư Ôỉ là thường hai lui tới nhà ông Mỹ già nầy nhất. Nhất là đứa con gái của ông ta hay chạy qua nhà ẩm bồng đứa con gái lai Mỹ của chị Năm Nuôi và ông Mỹ già Tôm. Nói tóm lại, gia đình nầy thân mật và gần gũi với gia đình người Mỹ già nầy.
Vào cuối năm 74, hết hạn phục vụ tại Việt Nam, Tôm cho tôi hay là anh sẽ về nước và hiện giờ anh đang lo thủ tục để bảo lảnh cho vợ con cùng về nước với anh ta. Anh tâm sự với tôi:
-Anh xin gia hạn để phục vụ thêm nhưng không được, anh sẽ về Cali gần Los Angeles làm việc hai năm trước khi hưu trí.
Tôi nói với ông ta tôi đang làm thủ tục đi Mỹ lần nữa vào tháng tư năm 75, nếu thuận tiện tôi sẽ kiếm và thăm ông ta, tôi đưa giấy tờ khóa học mà tôi sắp đi. Tôm mừng lắm và nói:
-Ồ hay quá, tao liên lạc thường xuyên với gia đình bên vợ tao, khi nào mầy qua Mỹ nhớ cho tao hay, tao sẽ cùng với vợ con tao ra đón mầy tại phi trường. Ai đến Mỹ cũng phải tới phi trường LA hết. Chổ ở của tao tới phi trường không xa lắm.
Thế là đúng như ông ta nói, ông ấy bảo lảnh cả vợ con sang Mỹ vào cuối năm 74, con hẻm mất đi tiếng hò reo của trẻ con và một số gia đình mất đi một nguồn lợi sinh sống nhất là gia đình ông Tư Ôỉ từ khi vắng bóng ông Tôm già…
Những ngày cuối tháng tư năm 1975, tình hình chiến cuộc thay đổi nhanh chóng và mang đến một sự thay chủ của thành phố Saigon. Con hẻm mang số 131 của nhà tôi cũng cùng chung số phận, biết bao gia đình liên hệ với chế độ Việt Nam Công Hòa bắt đầu thấy cuộc đời là một tương lai đầy đen tối. Sau 30-4-75, trong con hẻm nầy, mọi gia đình liên hệ đến chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa còn đang bàng hoàng trước những thông tin của một chánh quyền mới, trong số nầy có gia đình tôi, không biết rồi đây số phận mình sẽ ra sao.
Ngoài đường phố còn đang bát nháo với những tin tức, loa phóng thanh của các thành phần thời cơ nổi dậy, ca ngợi chiến thắng của quân giải phóng, kêu gọi dân chúng nổi dậy đập tan tàn dư của chế độ Mỹ Ngụy..v..v..Một con người vui nhất trong hẻm là ông Tư Ôỉ, ông vui mừng ra mặt, nói thao thao bất tuyệt như là một cán bộ ở mặt trận mới về. Ông không còn là hình bóng của ông Tư Ôỉ hiền lành ngày nào trong xóm vì hôm nay ông đang có cờ mặt trận giải phóng Miền Nam trong tay. Một con người hoàn toàn đổi mới, cờ tới tay phải phất và sau đó chẳng bao lâu ông Tư Ổi bây giờ trở thành là tổ trưởng tổ dân phố.
Ngày xưa ông đẩy xe ổi đi bán rong trong khu phố, gặp ai ông nói chuyện củng vui vẽ, nhỏ nhẹ. Bây giờ, nhờ cách mạng, ông bổng chốc trở thành là kẻ có chức có quyền trong khu phố.
Mổi lần họp tổ dân phố những ai đi họp trể là bị ông phê binh, kiểm điểm nhất là những gia đình có liên hệ với chế độ củ. Ông thường lên án nhà của chị Năm Nuôi là một gia đình có chồng Mỹ, ông nói:
-Bà Năm Nuôi trước đây làm việc phục vụ cho đế quốc Mỹ, có chồng Mỹ là một C I A, ông ta môt nhân viên tình báo của Mỹ cài vào khu phố của ta..v..v..Nhà nầy là nhà của bọn phản cách mạng trước năm 75.
Hầu như những người trong khu phố cũng đều thấy ông Tư Ôỉ là môt con người thay lòng, đổi dạ. Ông không còn nhớ ngày nào cả gia đình ông đều nhờ gia đình ông Mỹ già, coi gia đình ông Mỹ già như một ân nhân trong cuộc sống. Thế mà ngày nay ông lại mạc sát thậm tệ.
Ông thường đặc biệt chú trọng những gia đình dính líu đến chế độ củ mà ông quên rằng thằng con trai ông ngày nào là môt thiếu úy của quân lực VNCH, con trai ông làm việc tại cục quân tiếp vụ mà ông thường khoe khoan với niềm kiêu hãnh.
Năm 85, khi tôi ở tù về, những người hàng xóm của tôi ai cũng mừng.Trong khi nói chuyện với nhiều người lân cận nhà tôi, chợt chú Thông xích lô ra dấu nói nhỏ cho tất cả mọi người đang đứng nói chuyện với tôi bao gồm Chú Ba Quán, chú Sáu bán thịt, chú Long thợ dài và người chị thứ hai của chị Năm Nuôi, chú nói:
-Thôi bà con im lặng, con chó ghẻ đang đi đến kìa.
Nhìn theo hướng nheo mắt của chú Thông, tôi thấy ông Tư Ổi đang vừa đi tới. Khi ông Tư Ôỉ đi qua, chú Long nói:
Thằng cha nầy, tôi thấy nó là tôi ghét vô cùng, nó là thằng tồi.
Chú Ba quán nói vừa đũ nghe:
-Dượng Út biết không, thời buổi bây giờ không như ngày trước, mình vui đùa ăn nhậu, muốn nói gì thì nói. Nói mà vô lổ tai như lổ tai của thằng cha Tư Ôỉ thì có ngày vô tù. Bởi vậy tôi ước sao cho được như ngày trước rồi tôi có nhấm mắt cũng vui, bây giờ sao nhìn thấy nản quá!
Chú Sáu chen vào:
-Ngày xưa dượng Út đi làm, ông nội của con Tý là đại tá cảnh sát ở khu phố nầy, có thấy ai ghét như ghét thằng cha Tư Ôỉ nầy đâu? Dượng Út về rồi thì thấy đời bây giờ chán lắm, nhưng mà phải rán nha dượng Út.
Trong một tuần lể đầu tiên sau 10 năm tù, tôi thấy rất rõ bộ mặt của một xả hội trong đó mọi người công dân đang ngột thở vì mất mọi tự do. Bản thân tôi mổi tuần phải trình diện ở công an phường với một cuốn sổ ghi chép mọi sinh hoạt hằng ngày. Người dân thì phải họp tổ dân phố để kiểm điểm, phê bình. Sống trong một sự kiểm soát bằng chế độ hộ khẩu, phải khai báo tạm trú tạm vắng. Tình cảm hàng xóm láng giềng bị mờ nhạt, không còn khắng khích như xưa, sinh hoạt nghệ thuật, truyền thông báo chí, thì một chiều, đời sống người dân càng ngày càng tuột dốc…!
Lắm lúc tôi nghỉ đến ông Mỹ già ngày nào ngồi trước hàng ba vừa uống cà phê vừa ăn bánh dầu cháo quảy. Tôi không biết bây giờ ông ấy ra sao? Có còn nhớ đến tôi hay không? Tôi nghỉ nếu vận nước không thay đổi thì tôi có cơ hội gặp ông ta bên Mỹ, chắc là vui lắm. Nhưng tất cả là một định mệnh, thôi mình phải cố gắng sống tiếp khoảng đời còn lại dù nó như thế nào đi nữa.
Đang miên man suy nghỉ về kỷ niệm củ với ông bạn Mỹ già thì chợt tiếng bà Ba Quán nói lớn với thằng con trai:
-Bảnh, mắt mầy tinh hơn tao, mầy nhìn ra đầu hẻm coi ai hình như cô Năm Nuôi phải không ?
Bảnh nghe bà Ba Quán nói vội ngó ra đầu hẻm và nó la to lên:
-À đúng rồi má, cô Năm Nuôi đó chớ còn ai.
Bà Ba nhìn kỷ thêm rồi bà nói:
-Mèn đéc ơi! Cô ấy mặp ra và trắng dử hen!
Thì ra cô Năm vừa vô tới với một xe xích lô cùng hành lý, kèm theo cô Năm là đứa em trai và người chị Hai, cả hai chị em ra đón cô Năm từ phi trường về. Thời bấy giờ vào những năm 1986, 1987 Việt kiều ở ngoại quốc về con hiếm, nhất là ở con hẻm 131 nầy. Có lẻ đây là lần đầu tiên có người từ trong hẻm về nên hầu như rất nhiều bà con chạy ra xem một “Việt kiều” từ Mỹ về.
Ngay sau khi về tới nhà, người chị Hai phải đi làm thủ tục khai báo ở công an phường và tổ dân phố.
Sau khi ổn định với gia đình xong, chị Năm Nuôi qua nhà tôi và chị nói với chúng tôi:
-Cuối năm 74, anh Tôm bảo lảnh em và đứa con gái và cháu Nga con riêng của người chồng trước của em qua Mỹ. Tôm có nói với em là Mỹ sẽ rút khỏi Việt Nam vì vậy mà anh ấy muốn em và các con qua Mỹ sống. Em nghe lời và y chang Việt Nam sau khi Mỹ rút lại bị mất nước.
Ngừng một chút chị nói tiếp:
-May mà em nghe lời ổng, chứ lúc đầu em sợ không muốn đi, ổng nói mãi em mới chịu.
Tôi hỏi chị ấy:
-Bây giờ ông ấy còn đi làm hay không và ông ấy bây giờ có khỏe không?
Chị ấy trả lời tôi vẻ mặt buồn buồn;
-Ông ấy mất rồi, hơn một năm nay. Trước khi ông ấy mất ông ấy bị mù, tội nghiệp lắm!
Chị kể tiếp:
-Hồi mới qua, ông ấy làm việc tại Hawaii môt thời gian, sau đó xin về Cali làm việc rồi hưu trí. Sau khi ông ấy mất đi, em lảnh được một số tiền cũng tương đối và mở một cửa hàng giặt ủi cũng sống được. Bây giờ về nước lo cho đứa con gái còn lại, nó sẽ đi Úc theo diện bảo lảnh của chồng.
Quay sang tôi, chị ấy hỏi:
-Còn dượng Út được thả ra rồi, dượng có khỏe không? Em nghe nói mấy ông sỉ quan ở trong tù cực khổ lắm, chết trong tù rất nhiều. Dượng Út được về thì cũng may mắn lắm rồi, có điều dượng ốm đi rất nhiều so với ngày xưa. Thôi ráng ăn uống tẩm bổ, em nghe nói Mỹ sẽ bốc đi tất cả sỉ quan đó, mong cho dượng được đi sớm.
Rồi chị nói nhỏ vừa đủ cho chúng tôi nghe:
-Em mới về chứ em được gia đình cho biết hết, em thấy tình hình xả hội bây giờ em chán lắm, nhất là em nghe kể về thằng cha tư Ôỉ, em không muốn nhìn cái bãn mặt thằng cha ấy chút nào. Thật là thằng tán tận lương tâm.
Rồi chị nói tiếp sau khi nghỉ ngợi đôi chút:
-Ngày trước nó gặp ông Tôm của em, mặc dù không nói được tiếng anh nhưng thằng cha ấy rất vồn vã đưa tay chào, tay bắt. ba xúy ba tú, bù lu, bù loa ra điều rất thân quen. Sau nầy lại là một tên phản phúc, nghe mà không muốn nhìn mặt…
Rồi như sực nhớ ra điều gì, chị ấy hỏi tôi:
-Từ hồi dượng về tới nay, dượng như thế nào?
Tôi trả lời với chị ấy:
-Hiện giờ tôi còn đang bị quản chế, hàng tuần phải trình diện công an phường, đi đâu cũng phải báo cáo, ghi chép vào sổ của công an phường.
Chị ấy nói với tôi như an ũi:
-Thôi dầu sao dượng cũng về được rồi, chứ còn trong tù thì khổ cho dượng và cho cô Út và tội nghiệp cô Út.
Rồi chị nói tiếp:
-Không riêng gì dượng Út, hôm qua công an phường gởi giấy mời tôi lên phường, nó hạch hỏi tôi về ông Tôm, tôi nói chồng tôi chết rồi mà nó không tin. Nó cứ gằn giọng và bảo tôi phải giử đúng quy định của nhà nước là không được đi khỏi địa chỉ khai báo, nếu làm trái là vi phạm pháp luật của nhà nước cộng hòa xả hội chủ nghỉa Việt Nam.
Rồi chị cười và nói:
-Cô dượng biết không, khi tôi lấy trong xách tay 3 gói thuốc ba số 5 và mời các anh hút thuốc, gương mặt các cha ấy tươi rói. Giọng nói bắt đầu đổi ngay. Nào là chị về nước chắc vui lắm phải không?
Nhà nước ta có một chánh sách với Việt Kiều rất thoáng, rất cởi mở. Chị về lần nầy rồi chị sẽ thích và chị sẽ về hoài. Nói chớ ở đâu cũng không bằng quê hương của mình phải không chị? Nào là thằng Mỹ mà sao bằng Liên Sô..v..v..
Câu chuyên chị ấy kể về công an phường đang nữa chừng thì thằng Vệ em trai của chị Năm Nuôi dẫn chú Thông Xích lô tới nhà tôi để chú ấy gặp chị Năm Nuôi. Tôi mở cửa cho chú ấy vào và tôi nhìn thấy chú ấy đang mặt cái áo ướt sũng nước. Thấy tôi hơi ngạc nhiên vì cái áo ướt như vậy chú giải thích cho mọi người hiểu vì sao cái áo bị ướt, chú nói:
-Mẹ nó, ỉ là cán bộ cao cấp rồi muốn cất nhà choán cả con đường ra vào của cả khu phố, trên lầu muốn tạt nước xuống dưới là tạt không cần để ý tới dân.
Chú nói tiếp:
-Con chở vợ con đi làm thêm may vá cho môt nhà trong hẻm ở Bình Thạnh, cái con hẻm nầy lúc trước xe chạy ra vào dể dàng. Hôm nay bị một ông cán bộ cất một căn nhà bít gần hết con hẻm. Dân trong hẻm thưa kiện nhưng không ăn thua gì hết. Ông ta còn chơi trò tạt nước từ trên lầu xuống, con chở vợ con vừa xuống xe thì con bị lảnh một thao nước từ trên lầu tạt xuống. Con tức quá, la lối ôm sòm mà chẳng ăn thua gì hết. Mẹ nó, đời bây giờ sao quá nhiều ông trời con, toàn là thứ có chức có quyền!
Rồi như chưa hết tức chú Thông nói nhỏ:
-Ở đây nhà của cô dượng Út và cô Năm nên con mới dám nói, bây giờ hở một cái là ghép chử chống đối và phản động. Nhà nước thì lúc nào cũng lạm dụng hai chử nhân dân, nào là: Quân đội nhân dân, công an nhân dân, tòa án nhân dân, đảng và nhà nước là đầy tớ của nhân dân, mà thật sự ra dân có hưởng được gì. Nhiều cái thấy tức lắm mà không nói được. Như vụ ông cán bộ hưu trí ỷ mình là cán bộ như là có công rồi muốn làm ông trời con, coi dân không ra gì. Cô Năm về một thời gian rồi sẽ thấy, chán lắm. Bây giờ cái gì cũng phải câm cái họng, thật ra nếu con mà không nặng nợ với vợ con và có tiền là con đã vượt biên đi từ khuya rồi!
Như được dịp nói khỏi phải bị người ngoài nghe chú Thông tuông ra một hơi nổi ấm ức trong lòng. Rồi như chợt nhớ ra chú quên hỏi về ông Mỹ già Tôm, người đã một thời gian giúp chú sinh sống, chú hỏi chị Năm Nuôi:
-Ông Tôm dạo nầy khỏe không cô Năm?
Chị Năm Nuôi nói:
-Ông ấy mất cả năm nay rồi, mất vì bệnh tiểu đường và bị mù mắt.
Chú Thông ngạc nhiên:
-Trời ! tội nghiệp ổng quá, không ngờ ổng chết sớm như vậy.
Rồi chú nói như muốn nhắc tới môt ân nhân:
-Thời gian em đưa rước ổng, thỉnh thoảng ổng cho em quà như sữa tươi, trứng gà, kem và bàn chảy đánh răng và nhất là ổng cho em tiền để em cho con em và ổng nói đừng bao giờ nói với chị. Ông rất thông cảm với hoàn cảnh của em. Nói chuyện với ông Tôm, em chỉ ra dấu mà ổng hiểu hết.
Chú vừa nói mà rươm rướm nước mắt. Rôi như nhớ ra, chú lấy trong bóp một tắm hình mà chú chụp với ông Tôm, chú đưa ra và nói:
-Từ ngày ông Tôm về nước tới giờ, em vẫn còn giử tấm hình nầy, mổi lần nhớ ổng là em xem nó. Em nói với các con em, ông nầy là ân nhân của mình, mấy con có tiền ăn học là nhờ ông ấy, ba rất thương ông Tôm.
Ngừng một chút chú nói tiếp:
-Em giử tấm hình nầy trong bóp cũng nguy hiểm lắm. Sau ngày 30-4-75, vợ em khuyên em bỏ nó đi nhưng em thương ổng nên em không bỏ được. Nếu thằng chó ghẻ Tư Ôỉ mà biết được thì cũng phiền phức lắm. Nó cáo buộc ông Tôm là CIA.
Chị Năm Nuôi cầm lấy tấm hình xem và nói:
-Hình như tấm hình nầy chụp trước ngày ổng về Mỹ, lúc đó ổng nói với tôi là ổng chụp một số tấm hình làm kỷ niệm coi như hình chụp từ quê vợ để về khoe với gia đình bên Mỹ. Ông nói ổng rất thương người Việt Nam và ông ấy nói, ổng mong có dịp trở lại Việt Nam.
Câu chuyện với một “Việt kiều”, một danh từ người Việt trong nước gọi người Việt Nam tại hải ngoại được chấm dứt khi đứa con gái của chị hai qua nhà tôi gọi chị Năm Nuôi về và chú Thông cũng về nhà để chuẩn bị chạy tiếp.
Riêng tôi, trước sự âu lo của bà con láng giềng về tình trạng tai vách, mạch rừng như một thực trạng khủng bố tinh thần, cái tình láng giềng không còn như ngày nào, tôi lại tiếc rẻ quảng đời quá khứ của tuổi thơ nơi quê nhà. Tôi nhớ lại ba tôi và căn nhà ngày xưa của ba tôi, thời học sinh tiểu học của tôi với những bài học trong cuốn “ quốc văn giáo khoa thư”, những bài học luân lý về cách xử thế ở đời. Tôi nhớ lại khi còn bé, ba tôi thường nói với tôi:
-Bà con xa không bằng láng giềng gần.
Điều nầy quả đúng như vậy khi mà tôi thấy những người láng giềng xung quanh nhà ba tôi cư xử với nhau rất chan hòa.
Tôi nhớ ngày xưa thời mà truyền hình trắng đen còn quá mới mẻ và khan hiếm, ba tôi mua được một cái đem về. Ba tôi vặn truyền hình là cả xóm xúm lại xem, nhất là khi có những tuồng cải lương hấp dẩn hoặc những trận túc cầu có trực tiếp truyền hình. Ba tôi bảo tôi đi một vòng những nhà xung quanh để mời lại xem truyền hình của ba tôi. Thiên hạ, hàng xóm, trong khu nhà xung quanh đến vừa xem, vừa nói chuyện rất vui với ba tôi.
Tôi thấy thỉnh thoảng mấy nhà xung quanh thường mang qua nhà ba tôi cho thức ăn, ngay cả những người Hoa kiều trong khu phố. Tôi còn nhớ lâu lâu tiệm bán đậu phộng, chủ là người Hoa, người chủ tiệm nấu một nồi canh đem qua nhà ba tôi và nói:
-Hà cái lầy ông Ba, đậu phộng nấu với giò heo ăn ngon thấy mẹ.
Họ mang nồi canh giò heo nấu với đậu phộng như một chút nhớ ơn ba tôi cho họ phơi đậu phộng tại sân trước và sân sau của nhà ba tôi mà không lấy tiền. Tại tiệm đậu phộng nầy có hai đứa con trai là Ngộ Tỷ và Toa Tháo, tánh tình cũng hiền lành, dể thương và mau mắn. Trong xóm nhà tôi, bất kỳ ai có công việc gì cần sức vóc là hai anh nầy sẵn sang làm ngay, nhất là Toa Tháo. Vì vậy mà họ được cả xóm mến thương dù họ là người Hoa.
Tôi nhận thấy tình hàng xóm láng giềng càng sâu đậm khi có những việc cần thiết như quan hôn, tang, tế ..v..v..thường nhà nầy qua nhà kia giúp đở nhau một cách chân tình.
Trong thôn quê, tình cảm xóm giềng càng sâu đậm hơn, mặc dù nhà nầy cách xa nhà kia khá xa. Khi hữu sự người ta vẫn tìm đến nhau, giúp đở tận tình. Người dân quê miền Nam bản chất thật thà, nghỉ sao nói vậy và họ có thể nhớ vanh vách từng người trong thôn xóm, đường đi nước bước từng căn nhà nên khi hửu sự họ thường lui tới giúp đở nhau thật chân tình. Thời còn trẻ tôi có dịp sống nơi quê ngoại tại Bến Cát, ông bà ngoại tôi sống về nghề làm ruộng. Những người dân quê chân chất thật thà, nghỉ sao, nói vậy, không bao giờ có chuyện buồn phiền cải vả. Nhà cửa hầu như không có khóa và không thấy trộm cắp trong thôn xóm. Dân trong làng, trong xả khi cần có thể đến nhà ở lại chơi, tụ tập đông người, sinh hoạt một cách thoải mái thật là vui…Bây giờ nhìn mọi người nôm nớp lo sợ, nghi kỵ và hầu như e dè khi nói chuyện riêng tư vì sợ có người xấu bụng báo cáo thì chết. Thật là đáng buồn!
Thời gian dài trôi qua, đã hơn 35 năm đất nước sống trong hòa bình, ông MỸ già qua đời đã lâu, ông Tư Ôỉ ngày nay đã già đi rồi, không biết còn sống hay không, chú Thông thì cũng đã qua đời nghe đâu vì say rượu bị xe cán chết, chú Long cũng chết lâu rồi, hai bác Ba Quán cũng không còn, chú Sáu bán thịt cũng vậy. Chị Năm Nuôi thì tôi không còn biết tin tức như thế nào. Con hẻm 131 vẫn còn đó mà nhiều người đã ra đi, căn nhà của tôi bị chánh quyền mới tịch thu khi tôi đi Mỹ theo diện HO vào tháng 8/91, căn nhà còn nằm trong con hẻm đó không biết có thay đổi gì hay không chứ hai lần về nước tôi thấy không hề thay đổi. Tôi hỏi bà con láng giềng thì được biết căn nhà tôi được giao cho một ông cán bộ và người nầy cho sinh viên mướn. Con hẻm nầy đã có biết bao nhiêu là thay đổi về con người, lớp già nua nhường cho lớp trẻ. Cuộc đời con người rồi sẽ trôi qua theo thời gian, không có cái gì tồn tại vĩnh viễn.
Việt Nam ngày nay tuy rằng cũng có nhiều sự đổi thay, có nhiều kiến trúc cao tầng, phố sá mở rông một vài nơi, có đường xa lộ, có môt vài cầu mới xây..v..v.. nhưng vẫn còn là một đất nước kém xa so với các nước làng giềng trong khu vực, chưa kể đối với các quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh trên thế giới, sự thay đổi hiện nay chỉ có lợi cho những người có chức có quyền, những đại gia sống sung sướng, lắm của nhiều tiền, tiêu pha phung phí đều thuộc thành phần liên hệ với đảng và nhà nước. Trong khi ấy tuyệt đại bộ phận dân chúng thì sống rất nghèo nàn, không đũ ăn không đũ mặc. trẻ con thì đau ốm bệnh tật, không có tiền ăn học. Vì hoàn cảnh gia đình nhiều phụ nử phải bán trôn nuôi miệng bằng nghề mãi dâm, hoặc hy sinh lấy chồng ngoại quốc. Tình trạng nhiều người phụ nử Việt Nam được rao bán như một nô lệ, lấy chồng ngoại quốc bị giết hại, bị ngược đải. Công nhân đi lao động bị đối xử rẻ rúng, chánh phủ Việt Nam có biết hay không? Trong khi đó thì tình trạng tham nhũng thối nát, quà cáp, biếu xén như là một căn bệnh bất trị. Đất nước đang đi dần vào lệ thuộc, mất đảo, mất biển, mất đất liền mất vào tay Trung Quốc. Nếu như vẫn tiếp tục không có sự thay đổi về tình người với người như hiện nay thì dất nước sẽ mất chủ quyền và bị Trung Quốc thống trị như là một thuộc địa của Trung Quốc chẳng khác nào tình trạng của Tây Tạng.
Không biết rồi đây đất sẽ như thế nào nếu tình trạng nầy không thay đổi, đất nước Việt Nam sẽ không còn chứ còn nói chi đến cái tình hàng xóm láng giềng của con hẻm mang số 131.
Càng nghỉ càng buồn thay!
Lão Làm Vườn.

No comments:

Post a Comment